Thế giới thực ra không thiếu lithium như nhiều người tưởng tượng.
Nhu cầu về kim loại sản xuất pin đã tăng nhanh. Dù muốn hay không, các công nghệ sạch như xe điện, lưu trữ năng lượng cũng như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đều phải phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn.
Khi nhu cầu với cho pin lithium-ion nóng lên cùng với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, việc khai thác, sản xuất các nguồn tài nguyên này cũng cần phát triển tương xứng. Nhưng thực tế thế nào?
Nhiều chuyên gia hàng đầu đã lo ngại việc thế giới có đủ tài nguyên để thực hiện cú chuyển đổi lịch sử mà không làm cạn kiệt các khoáng sản này và đẩy giá lên cao quá mức.
Tóm lại, giờ đây người ta không nói đến dầu mỏ nữa là chuyển sang lithium. Một vấn đề lớn là không ai biết chính xác thế giới có bao nhiêu lithium. Tính đến năm 2021, ước tính thế giới có 88 triệu tấn lithium. 1/4 trong số đó – khoảng 22 triệu tấn – là có thể khai thác được. Tuy nhiên, con số này luôn thay đổi bởi người ta vẫn luôn tìm ra thêm lithium và các cách tiên tiến hơn để trích xuất nó.
Trong khi đã có nhiều lo lắng về việc lithium có thể sớm cạn kiệt, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để hoảng sợ. Trên thực tế, cuộc khảo sát địa chất mới đây của Mỹ đã đưa ra kết luận những loại tài nguyên như lithium “tương đối phong phú”. Hannah Ritchie, một nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Oxford, giải thích: “Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá ra nhiều lithium hơn và khai thác nó tốt hơn”.
Về cơ bản, lo lắng về nguồn cung lithium là một sai lầm. Những người tuyên bố rằng lithium đang cạn kiệt không tính đến tiến bộ công nghệ. Ví dụ, nếu chúng ta đếm cả lượng lithium có trong nước biển, chúng ta sẽ có nhiều hơn những gì chúng ta cần - vấn đề là công nghệ để chiết xuất nó. Chỉ cần nhu cầu đủ lớn, người ta tin rằng mọi sáng chế đều có thể được tạo ra.
Mới đây, một nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí Joule kết luận một cách dứt khoát rằng thế giới có đủ nguyên liệu thô, gồm cả khoáng chất kim loại pin để thực hiện một cuộc chuyển đổi cách mạng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Lithium thậm chí không phải là nỗi lo lớn nhất.
Loại nguyên liệu cần lo lắng nhất sẽ là các khoáng chất đất hiếm dysprosium và tellurium - loại đầu tiên được sử dụng trong sản xuất năng lượng gió còn lại thứ 2 dùng trong các trang trại năng lượng mặt trời. Mặc dù vậy với cả 2 loại khoáng chất này, dự trữ vẫn vượt xa nhu cầu dự kiến.
“Tôi không lo chúng ta sẽ cạn kiệt những vật liệu này”, đồng tác giả nghiên cứu Zeke Hausfather – nhà khoa học khí hậu tại hãng công nghệ Stripe và Berkeley Earth cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả khi lượng khoáng sản đất hiếm không cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, vẫn có những rủi ro địa chính trị khác liên quan đến chuỗi cung ứng của những nguồn tài nguyên thiết yếu này.
Một trong số đó là khi các nguyên tố như lithium trở nên có giá trị (khi nhu cầu tăng cao), các công ty và quốc gia trên thế giới sẽ cố gắng củng cố chuỗi cung ứng hoặc mua dự trữ càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng pin và tiếp tục củng cố sức mạnh ở thị trường gần như độc quyền này.
Điều đó có thể gây ra các vấn đề lớn trong tương lai khi các quốc gia sử dụng thế mạnh trong chuỗi cung ứng để làm đòn bẩy chính trị. Phương Tây đang nỗ lực để đầu tư vào khai thác lithium ở các nước đồng minh nhưng vẫn cần nỗ lực hơn rất nhiều để phá thế độc quyền đã gây dựng nhiều năm qua của Trung Quốc.
Theo autopro