Hạn hán ở Trung Quốc và Đức đang khiến cho ngành công nghiệp sản xuất xe điện bắt đầu nhận ra các mối nguy từ hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Rủi ro từ biến đổi khí hậu
Các nhà sản xuất xe điện đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thế giới hạn chế phát thải từ các phương tiện giao thông. Nhưng biến đổi khí hậu cũng đang trở thành một vấn đề bám theo rất sát ngành công nghiệp này.
Hôm 22/8, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, tiếp tục cắt điện đối với một số nhà máy sản xuất, vì đợt nắng nóng gay gắt nhất trong hơn 60 năm qua đang khiến các hồ chứa của đập thuỷ điện cạn kiệt. Trong khi đó, Tứ Xuyên lại là nơi cung cấp khoảng 1/5 sản lượng lithium cả nước.
Tuần trước, Volkswagen cho biết nhà máy của họ tại khu vực này đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện. Do đó, việc giao hàng cho khách sẽ bị chậm lại. Toyota và nhà sản xuất pin Trung Quốc CATL đã tạm thời đóng cửa các nhà máy. Tesla và SAIC Motor của Trung Quốc nói rằng họ sẽ khó có thể duy trì sản xuất nếu tình trạng thiếu điện tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà cung ứng.
Tại Thành Đô, Trung Quốc, nhiều đèn đường được tắt bớt để tiết kiệm điện. Ảnh: VCG/VCG
Ở châu Âu, hạn hán đang ảnh hưởng đến mực nước sông Rhine, tuyến đường thuỷ quan trọng đối với thương mại của Đức, Hà Lan và Thuỵ Sĩ trong nhiều thế kỷ. Tàu thuyền hiện không thể di chuyển trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng".
Mặc dù lượng mưa trút xuống vào cuối tuần qua phần nào làm giảm nguy cơ gián đoạn việc vận chuyển dầu diesel và than đến các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp, Shell vẫn cắt giảm sản lượng tại khu phức hợp sản xuất dầu lớn nhất nước Đức. Tại các bang Brandenburg và Sachsen của Đức, nơi Tesla và BMW vận hành các nhà máy sản xuất ô tô, chính quyền đã phải nhờ quân đội hỗ trợ dập tắt một số vụ cháy rừng trong mùa hè này.
Nhiều nhà sản xuất ô tô coi vấn đề biến đổi khí hậu là một yếu tố rủi ro trong kinh doanh. Chẳng hạn như Tesla, công ty cảnh báo rằng nếu thảm hoạ liên quan đến khí hậu xảy ra, trụ sở chính và các cơ sở sản xuất của hãng có thể bị hư hại nghiêm trọng hoặc có thể phải ngừng hoặc hoãn sản xuất, vận chuyển sản phẩm.
Mặc dù nhận thức rõ biến đối khí hậu có thể ảnh hưởng đến mạng lưới sản xuất, các công ty không phải lúc nào cũng hành động phù hợp với mức độ nghiêm trọng của các mối nguy. Các công ty tiếp tục xây dựng các cơ sở sản xuất tiêu tốn nhiều nước ở những khu vực mà nguồn cung nước ngày càng khan hiếm.
Tesla đang vấp phải phản đối ở Đức khi xây dựng nhà máy tại khu vực có mực nước ngầm giảm và hạn hán kéo dài. Thành phố Fremont, California, nơi Tesla đã sản xuất ô tô điện trong hơn một thập kỷ, nhận được lượng mưa khoảng 400mm mỗi năm, ít hơn một nửa so với mức trung bình của Mỹ. Nhà máy pin Tesla hợp tác với Panasonic ở Reno, Nevada và nhà máy của Lucid Motors ở phía nam Phoenix đều nằm ở những vùng còn khô hạn hơn.
Hãng xe điện Lucid Motors có kế hoạch xây dựng một số nhà máy sản xuất ô tô ở gần thành phố Jeddah của Saudi Arabia, nơi nhiệt độ có thể lên tới 49 độ C vào mùa hè.
Các nhà sản xuất xe điện bắt đầu hành động
Một số nhà sản xuất ô tô bao gồm Tesla đang trang bị cho nhà máy các thiết bị tạo ra năng lượng tái tạo. Họ cũng làm việc để các cơ sở sản xuất hoạt động tiết kiệm hơn, đặc biệt là giảm tiêu thụ nước.
Tại nhà máy ở Chennai, Ấn Độ, BMW thu thập nước trong mùa mưa. Lượng nước này đáp ứng 60% đến 90% nhu cầu nước hàng năm của nhà máy. Người phát ngôn của công ty cho biết, để tăng tỷ lệ sử dụng nước mưa, nhiều hồ chứa nước mưa đang được xây dựng.
Khi nhu cầu xe điện tăng vọt để giảm lượng khí thải carbon từ phương tiện giao thông, cơn sốt cũng làm bùng nổ hoạt động khai thác kim loại cho pin, bao gồm cả lithium.
Kim loại trắng bạc này thường xuất hiện ở trong các mỏ lộ thiên tại Australia hoặc Nam Mỹ. Song, nhiều chuyên gia lo ngại nước thải và các vật liệu độc hại từ quá trình khai thác có thể gây ảnh hưởng lớn. Các nguyên liệu thô sau đó được chuyển đến châu Á để xử lý. Cho đến khi lithium được đưa vào pin xe điện, rất nhiều CO2 đã bị thải ra không khí. Các nhà khai thác đang nỗ lực hạn chế khí thải trong quá trình sản xuất lithium nhưng vẫn còn sơ khai.
Một sà lan đi qua sông Rhine, Đức. Ảnh: Alex Kraus / Bloomberg
Volkswagen đã thành lập một cơ sở ở Đức để tái sử dụng 90% các thành phần pin. Công ty khởi nghiệp pin xe điện QuantumScape do Bill Gates và Volkswagen hậu thuẫn đang nghiên cứu về pin thể rắn, một giải pháp thay thế tiềm năng cho công nghệ pin lithium-ion hiện nay.
Nhà sản xuất ô tô Volkswagen dự kiến sẽ ký một thỏa thuận với Canada để đảm bảo quyền tiếp cận các nguyên liệu thô bao gồm niken, coban và lithium để sản xuất xe và pin.
Volkswagen cho biết mực nước thấp của sông Rhine không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ. Nhóm quản lý khủng hoảng của công ty đã chứng tỏ được năng lực quan các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và những thách thức như tắc nghẽn kênh đào Suez. Công ty cũng đã thiết lập một hệ thống quản lý nhà cung cấp để phát hiện sớm các dấu hiệu gián đoạn và làm việc với các nhà sản xuất bộ phận để khắc phục.
Một người phát ngôn cho biết có một điều hiển nhiên là những thách thức mới trong chuỗi cung ứng chỉ có thể được kiểm soát khi tất cả cùng nhau hành động.
Theo autopro