+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Triết lý sản xuất của Nhật Bản gặp chỉ trích vì bị áp dụng quá mức

Cập nhật: 19:27 11/07/2022
Just In Time đã làm nên thành công cho hãng Toyota và được coi là cuộc cách mạng kinh doanh, thế nhưng giờ đây nó lại bị coi là tội đồ cho sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Theo tờ New York Times, Toyota vốn là hãng xe nổi tiếng về hiệu suất lao động. Triết lý "Just In Time" trong sản xuất của Toyota khi đưa các thiết bị, nguyên liệu đến đúng thời điểm và đúng nơi cần dùng đã giúp hãng xe này tiết kiệm được chi phí lưu kho.
 
Trong 50 năm qua, triết lý "Just In Time" này đã được sử dụng trên toàn cầu chứ không riêng gì Toyota hay ngành ô tô. Từ mảng kinh doanh thời trang đến ẩm thực hay dược phẩm đều ưa thích kiểu sản xuất chặt chẽ, thích nghi nhanh chóng được với sự thay đổi của thị trường trong khi giảm chi phí tồn kho.
 
 
 
Thế nhưng sự đứt gãy chuỗi cung ứng hậu đại dịch đã khiến nhiều người chỉ trích triết lý sản xuất này đang được áp dụng quá mức, tạo nên sự khủng hoảng khan hiếm vật tư, thiết bị.
 
Trong khi các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động còn những tuyến đường biển ngập trong khủng hoảng, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã lâm vào tình trạng thiếu thốn đủ thứ, từ thiết bị điện tử cho đến quần áo và tất cả là vì triết lý "Just In Time".
 
Theo tờ New York Times, tình hình biến đổi thất thường của thị trường hiện nay đang biến triết lý "Just In Time" trở nên lỗi thời.
 
"Chuỗi cung ứng hiện nay cứ như đang gặp khủng hoảng vậy. Trong một cuộc đua hạ giá thành, chi phí, các nhà sản xuất hiểu được những rủi ro mà chiến lược này mang lại. Giờ đây, chúng ta đang phải chịu những thiệt hại từ chính các rủi ro đó", Chuyên gia Willy C.Shih của trường đại học Harvard nhận định.
 
Biểu hiện rõ nhất hiện nay cho những hệ lụy mà "Just In Time" mang lại trong mùa dịch là sự thiếu chip điện tử của ngành sản xuất ô tô, nơi vốn phát minh ra triết lý sản xuất này. Việc không đủ chip đã khiến hàng loạt nhà máy từ Ấn Độ cho đến Mỹ phải tạm ngừng dây truyền.
 
Thế nhưng cuộc khủng hoảng thiếu mọi thứ hiện nay còn cho thấy triết lý "Just In Time" đã thống trị mọi mặt của đời sống như thế nào. Đây là lý do hãng Nike và nhiều công ty thời trang khác chật vật kiếm hàng để cung cấp cho những cửa hiệu bán lẻ mùa dịch. Đây cũng là lý do khiến nhiều công ty xây dựng hiện nay phải vất vả tìm những thứ đơn giản nhất như nước sơn.
 
Thậm chí, chính triết lý này đã góp phần tạo nên sự thiếu hụt trang thiết bị y tế cho những nhân viên tuyến đầu chống dịch trong mùa Covid-19.
 
Giảm tồn kho, hạ chi phí
 
Trước đây, triết lý sản xuất "Just In Time" từng được coi là cuộc cách mạng trong giới kinh doanh. Bằng việc giảm hàng tồn kho xuống mức thấp nhất, các nhà bán lẻ có đủ không gian và nguồn lực cho những thứ khác. Phong cách sản xuất này cho phép các nhà máy thay đổi nhanh chóng sản phẩm để thích nghi với thị trường, giúp các doanh nghiệp tinh gọn cơ cấu và có thể chuyển hướng kịp thời trước sự thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng.
 
 
Giảm chi phí lưu kho quá nhiều khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay trong mùa dịch Covid-19
 
Trên thực tế những điều này tạo thêm lợi ích cho công ty, thúc đẩy đổi mới và kích thích thương mại nên chắc chắn vẫn sẽ được dùng sau khi đại dịch chấm dứt. Đặc biệt là những khoản tiết kiệm chi phí có thể được hoàn lại cho cổ đông dưới dạng cổ tức hay mua lại cổ phiếu nên chẳng có lý do gì để doanh nghiệp từ bỏ chúng, dù cho đây là nguyên nhân tạo nên sự thiếu hụt mọi thứ hiện nay.
 
Hãng sản xuất chip Intel gần đây đã tuyên bố đầu tư 20 tỷ USD xây dựng nhà máy ở Arizona nhằm hạn chế phụ thuộc nguồn cung từ châu Á. Thế nhưng số tiền này vẫn ít hơn 26 tỷ USD mua lại cổ phiếu trong khoảng 2018-2019, vốn có thể dùng để mở rộng sản xuất.
 
"Đây là khoản đầu tư mà các doanh nghiệp chưa bao giờ nghĩ tới", Chuyên gia kinh tế William Lazonick của trường đại học Massachusetts cười nói.
 
Với quan điểm hạ giá thành, chi phí xuống mức thấp nhất có thể, nhiều doanh nghiệp đã kết hợp "Just In Time" với thuê ngoài từ các nhà máy ở Châu Á. Hệ quả là khi đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, hàng loạt công ty bị thiếu hàng để vận hành.
 
Lạm dụng
 
Trên thực tế triết lý "Just In Time" vốn được Nhật Bản áp dụng từ sớm nhằm tái thiết đất nước sau Thế chiến II. Phong cách hoạt động này là nhằm thích ứng với thời kỳ kinh tế hỗn loạn.
 
Nhật Bản là một quốc gia thiếu tài nguyên còn dân số lại thường tập trung ở các thành phố lớn nên họ phải tiết kiệm hết sức có thể cũng như giảm thiểu chi phí tồn kho xuống mức thấp nhất. Đây là lý do Toyota thường tránh nhập kho và thỏa thuận với các nhà cung ứng nhằm đảm bảo nguyên liệu, thiết bị chỉ được đưa đến khi cần thiết.
 
Đến thập niên 1980, sự thành công của nền kinh tế Nhật hậu Thế chiến đã khiến nhiều người tung hô triết lý "Just In Time" như một phương thức kinh doanh đầy lợi nhuận.
 
"Các công ty áp dụng thành công cách vận hành tinh giản này không chỉ tiết kiệm tiền bạc cho chi phí vận hành nhà kho mà còn giúp doanh nghiệp có được sự linh động", bài thuyết trình năm 2010 của McKinsey cho ngành dược phẩm nhấn mạnh.
 
Theo đó, McKinsey cam kết doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được đến 50% chi phí lưu kho nếu họ áp dụng cách quản lý "Just In Time" này vào hệ thống.
 
Mặc dù việc điều hành sản xuất theo cách này được rất nhiều doanh nghiệp ưa chuộng nhưng một số chuyên gia lại cho rằng chúng ta đang đi quá xa.
 
"Chúng ta đã đi quá xa. Cách các doanh nghiệp lưu kho sẽ bị thay đổi sau khi đại dịch chấm dứt", Chuyên gia Knut Alive cũng của McKinsey từng thừa nhận.
 
Chuyên gia ManMohan S.Sodhi của trường đại học kinh doanh London thì cho rằng chính vì muốn làm đẹp sổ sách với nhà đầu tư mà nhiều công ty đã bỏ qua rủi ro gián đoạn sản xuất gây thiếu hàng như hiện nay. Việc tiết kiệm chi phí lưu kho khiến họ dư tiền cho các hoạt động khác và trông có vẻ tăng trưởng tốt hơn, một điều gây ấn tượng mạnh cho nhà đầu tư.
 
Một nghiên cứu trong khoảng 1981-2000 cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đã giảm hàng tồn kho bình quân 2% mỗi năm. Khoản tiền tiết kiệm từ đây được dùng cho các lợi ích khác của cổ đông như mua lại cổ phiếu.
 
Trong khoảng 10 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nghiên cứu của Bank for International Settlements cho thấy các doanh nghiệp Mỹ chi hơn 6 nghìn tỷ USD để mua lại cổ phiếu. Số tiền các doanh nghiệp này chi cho hoạt động mua lại cổ phiếu hiện nay cao gấp 3 lần so với 10 năm trước.
 
Riêng tại những công ty ở Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada và Trung Quốc, họ đã tăng gấp 4 lần hoạt động mua lại cổ phiếu trên thị trường.
 
Việc mua lại cổ phiếu làm giảm số lượng giao dịch trên thị trường và đẩy mức giá cao hơn, qua đó làm gia tăng tài sản cho các cổ đông. Điều đang buồn là số tiền tiết kiệm được từ "Just In Time" lại không được tái đầu tư cho sản xuất hay dự phòng gián đoạn cho các rủi ro như hiện nay mà lại chảy vào túi cổ đông.
 
Tội đồ
 
Khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, nền kinh tế số 1 này lại thiếu máy thở do các doanh nghiệp không cung ứng kịp.
 
"Khi bạn cần máy thở thì các nhà sản xuất phải cung ứng chúng, bạn không thể viện dẫn những lý do như ‘vì chi phí tồn kho quá cao nên chúng tôi không đủ hàng’", Chuyên gia Sodhi mỉa mai.
 
Tương tự với ngành ô tô, các nhà sản xuất đã giảm đơn hàng vì cho rằng nhu cầu sẽ đi xuống trong mùa dịch để rồi lúc kinh tế hồi phục, họ nhận ra rằng mình chẳng đủ hàng lưu kho để đáp ứng thị trường.
 
Điều này đang xảy ra với hầu khắp các ngành nghề ưa thích dùng "Just In Time" vào sản xuất. Hãng Van Horn, Metz & Company chuyên cung ứng sơn, mực và hóa chất công nghiệp thường chỉ chậm giao hàng 1% so với số đơn yêu cầu. Thế nhưng hiện nay họ chỉ có thể hoàn thành chứ đến 1/10 số đơn hàng vì thiếu nguyên liệu.
 
Điều đáng ngạc nhiên là các chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng này nhiều năm nhưng chẳng ai nghe. Cổ đông thì vẫn thích giá cổ phiếu tăng, CEO thì được thưởng lớn nếu tiết kiệm được chi phí, các nhà máy sản xuất vẫn có hợp đồng còn người tiêu dùng thì được hưởng mức giá rẻ hơn.
 
Năm 1999, trận động đất tại Đài Loan đã khiến nhiều nhà máy sản xuất chip bị gián đoạn. Năm 2011, động đất và sóng thần ở Nhật Bản khiến nhiều công xưởng, bến tàu bị ảnh hưởng và tạo nên sự thiếu hụt chip điện tử ngắn hạn. Trận lụt cùng năm ở Thái Lan khiến thị trường phần cứng máy tính lao đao.
 
Bất chấp những vụ việc trên, các tập đoàn lớn vẫn ưa dùng "Just In Time".
 
"Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể ngừng theo đuổi hạ thấp chi phí như một yếu tố tiên quyết trong kinh doanh hay không? Tôi nghĩ là không, bởi người tiêu dùng sẽ chẳng chấp nhận việc tăng giá sản phẩm vì chi phí lưu kho đi lên đâu nếu họ không ở trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay", Chuyên gia Willy C.Shih của trường đại học Harvard nói.
 
Theo autopro
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng