+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Chất lượng ôtô Nhật Bản - niềm tin ngày càng lung lay

Cập nhật: 07:12 20/10/2017

Hàng loạt bê bối gian lận, gần đây nhất là của Kobe Steel, đặt ra câu hỏi rằng giá trị thương hiệu của Nhật Bản có dễ dàng biến mất.

Hôm 15/10, Kobe Steel thừa nhận các nhân viên tại bốn nhà máy đã thay đổi dữ liệu kiểm định chất lượng đối với các vật liệu nhôm và đồng trong khoảng thời gian tháng 9/2016-8/2017. Với dữ liệu giả này, sản phẩm của Kobe về mặt giấy tờ vẫn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà khách hàng yêu cầu, bao gồm nhiều đặc tính quan trọng như độ bền, khả năng chịu tải… Nhưng trên thực tế thì không được như vậy.

Chủ tịch kiêm CEO của Kobe Steel, Hiroya Kawasaki (thứ hai từ phải sang) gập người xin lỗi tại buổi gặp với người đứng đầu Cơ quan phụ trách các ngành công nghiệp sản xuất thuộc Bộ Kinh tế Nhật Bản Akihiro Tada tại Tokyo, ngày 12/10. Ảnh: Reuters.

Trước báo giới, đích thân Chủ tịch Hiroya Kawasaki thừa nhận đã cung cấp vật liệu cho hơn 500 khách hàng thay vì 200 như ban đầu. Người đứng đầu Kobe Steel cũng cho biết có thêm 9 loại sản phẩm bị giả chất lượng, gồm cả các ống hợp kim đồng, sợi thép dùng để chế tạo lốp và động cơ ôtô. Những linh kiện sử dụng dạng kim loại sợi này gồm đai bố thép trong lốp ôtô có bố tỏa tròn và lò xo xu-páp trong động cơ.

Giữa tâm bão dư luận, đại gia thép Nhật Bản cho biết họ cũng đang điều tra bê bối làm giả số liệu liên quan đến bột thép, vật liệu chủ yếu được dùng để làm bánh răng. Kobe đồng thời khẳng định đang làm rõ về các trường hợp làm giả số liệu khác trong 10 năm qua.

Lời thú nhận của Kobe đang ảnh hưởng đến hàng trăm công ty lớn nhỏ trong ngành công nghiệp ôtô hay hãng sản xuất máy bay và chế tạo tên lửa. Khách hàng đặt ra câu hỏi, sự thực chất lượng ôtô Nhật Bản có còn ở đỉnh cao như danh tiếng hàng chục năm nay?

Theo số liệu của Kobe, số vật liệu trên chỉ chiếm 4% tổng số sản phẩm bán ra trong giai đoạn từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017. Hãng thép Nhật cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về các vấn đề an toàn liên quan đến số sản phẩm này.

Tuy nhiên, các khách hàng của Kobe đều đang gấp rút điều tra làm rõ, nhằm xác định liệu vật liệu kém chất lượng có được sử dụng trong sản phẩm của họ hay không và nếu có, liệu đây có phải mối lo đến độ an toàn của các mẫu xe.

Mỗi năm, General Motors có thể mua hàng triệu tấn thép từ hàng chục nhà cung cấp khác nhau. Vì Kobe Steel không công bố thông tin chi tiết, nên việc xác định các mối nguy hại không hề đơn giản. Đến nay, chưa có trường hợp tử vong hay sự cố an toàn nào liên quan đến thép Kobe được ghi nhận.

Song với sự việc lần này, đại điện General Motors nhấn mạnh sẽ điều tra bất cứ tác động nào có thể xảy ra. Các công ty xe hơi của Nhật, từ Honda, Mazda, Mitsubishi, Nissan, đến Subaru, Suzuki, Toyota cũng có động thái tương tự. Toyota gọi bê bối này là “vấn đề nghiêm trọng”, khẳng định quyết tâm điều tra đến cùng và cân nhắc phương án xử lý.

Vật liệu của Kobe Steel được sử dụng trong sản phẩm của nhiều công ty như Toyota, HondaSubaru.

Kawasaki Heavy Industries, hãng sản xuất thiết bị cho tàu cao tốc Shinkansen hay JR Tokai, công ty vận hành tuyến đường sắt đông đúc Nhật Bản, cũng không đứng ngoài cuộc. Theo JR Tokai, chênh lệch số liệu có thể “không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn cần xem xét xem liệu có nên thay thế các bộ phận của tàu hay không”.

Không chỉ liên quan tới ngành công nghiệp ôtô, sản phẩm của Kobe Steel còn được cung cấp cho các ngành công nghiệp nặng khác. Mitsubishi Heavy Industries, công ty đang sử dụng nhôm của Kobe Steel để chế tạo máy bay, cũng bắt tay điều tra sự việc này.

Tiết lộ của Kobe Steel khiến các khách hàng náo loạn. Còn đối với Nhật Bản, đây là một “vết nhơ” lớn.

Là nhà cung cấp nguyên liệu chính cho nhiều nhà sản xuất ôtô, máy bay và tàu điện lớn cả trong và ngoài nước, Kobe Steel được coi là trụ cột quan trọng trong lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, bê bối làm giả số liệu chất lượng sản phẩm của đại gia ngành thép không những làm dấy lên nhiều nghi vấn về độ an toàn của các phương tiện dùng thép Kobe, mà còn phủ bóng đen lên danh tiếng của đất nước mặt trời mọc - nơi vốn nổi tiếng khắt khe về tiêu chuẩn trong các dây chuyền sản xuất.

Thuộc nhóm dẫn đầu về công nghệ điện tử như tivi, điện thoại di động hay máy tính, thế mạnh của Nhật Bản vẫn là các sản phẩm giá trị cao như cảm biến, máy móc có độ chính xác cao, các loại hóa chất đặc biệt, cảm biến hay camera. Giữa thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, "chất lượng" là từ khóa giúp Nhật Bản định vị trên bản đồ thế giới.

Theo New York Times, danh tiếng của Nhật vốn đến từ chất lượng sản phẩm vượt trội so với Trung Quốc hay một số quốc gia vốn được coi là "phương án hai" với lợi thế về giá rẻ. Tuy nhiên, danh tiếng này đang bị lung lay sau loạt vấn đề xảy ra với các tên tuổi lớn.

Tuần trước, Nissan Motor phải triệu hồi 1,2 triệu xe sau khi giới chức phát hiện kỹ thuật viên không đủ thầm quyền cấp phép chất lượng cho sản phẩm. Trước đó vào năm 2016, Mitsubishi Motors và Suzuki Motor cùng thừa nhận đã “phóng đại” khả năng tiết kiệm nhiên liệu bằng cách gian lận số liệu thử nghiệm.

Takata là bê bối lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản.

Cú sốc lớn hơn cả với thương hiệu “chất lượng Nhật Bản” có lẽ là bê bối của hãng túi khí Takata, với cáo buộc gây ra 16 trường hợp tử vong trên khắp thế giới, đồng thời lập kỷ lục triệu hồi với 100 triệu túi khí liên quan tới hàng loạt hãng xe trên toàn cầu. Giữa thá ng 6/2017, Takata nộp đơn phá sản.

Chuyên gia quản trị Toshiaki Oguchi cho biết các công ty Nhật Bản đều quan tâm đến vấn đề chất lượng, nhưng mỗi khi sự cố không mong muốn nào đó xảy ra do gian lận, có thể vì áp lực cạnh tranh hay yếu tố nào khác, thì lại không được làm sáng tỏ. Họ không thích chuyện bị soi xét hay chỉ trích, can thiệp quá sâu.

“Khi có chuyện xảy ra, họ thường thuê người bên ngoài xác minh và điều tra. Tại sao lại không chủ động hơn? Tại sao không có người quan sát và đánh giá mọi quy trình ngay từ đầu?”, ông Oguchi đặt câu hỏi.

Luật sư Shin Ushijima, Chủ tịch Mạng lưới quản trị doanh nghiệp Nhật Bản, nhận định bê bối của Kobe Steel cho thấy “vấn đề mang tính tổ chức”. Ông chỉ ra sự tương đồng trong sự việc của hãng thép Nhật với Takata và Misubishi, cũng như các sai sót trong báo cáo tài chính của Toshiba năm 2015.

Hiệu ứng domino về chất lượng đến từ cả bản thân các hãng xe và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ khiến niềm tin về ôtô "Made in Japan" dần lung lay. Yếu tố then chốt giúp phần lớn các hãng xe Nhật thành công trên toàn thế giới là chất lượng, độ bền bỉ.

Nếu giá trị cốt lõi đang dần bị lung lay, các hãng xe Nhật sẽ làm gì để duy trì thành công?

Theo VnExpress

Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng