Tesla dù ra mắt công nghệ tự lái sớm nhưng lại có một điểm thua thiệt so với công nghệ của Mercedes.
Khi nhắc tới công nghệ tự lái, Tesla có lẽ là cái tên xuất hiện nhiều nhất trên mặt báo. Ngay từ tháng 4/2019, toàn bộ các mẫu xe của Tesla khi rời nhà máy đều đã được trang bị hệ thống hỗ trợ lái Autopilot; ngày nay, Tesla còn cung cấp gói hỗ trợ lái cao cấp hơn mang tên Full Self-Driving.
Khó có thể phủ nhận rằng Tesla đang đi đầu trong việc phổ biến công nghệ hỗ trợ lái tự động đến rộng rãi người tiêu dùng. Trong khi các công nghệ tương tự của các hãng khác mới chỉ cho phép người dùng sử dụng trên các tuyến đường cao tốc vốn được kẻ vạch rõ ràng, thì với gói công nghệ trợ lái tự động Full Self-Driving, Tesla đã cho phép người dùng sử dụng trong đường nội đô, vốn có giao thông phức tạp hơn nhiều.
Full Self-Driving là một tính năng trả phí hàng tháng. Ảnh: Tesla
Tuy có những bước tiến được coi là đi trước về mặt công nghệ, những chiếc xe của Tesla vẫn thường xuyên gây ra những tai nạn không đáng có, đôi khi bị coi là không an toàn để sử dụng. trong khi đó, an toàn lại là một điểm mà Mercedes dường như rất quan tâm khi phát triển công nghệ lái tự động Drive Pilot của mình.
Theo thông tin mới nhất từ nhà sản xuất Đức, các mẫu xe trang bị công nghệ lái tự động của Mercedes sẽ có thêm các phương án dự phòng khi các cảm biến chính của xe bị hỏng, giúp "điều khiển chiếc xe một cách an toàn trong mọi tình huống có thể gây nguy hiểm".
Mercedes cho biết các mẫu xe của họ có nhiều trang bị "thừa" ở hệ thống phanh, hệ thống lái, nguồn điện và một số cảm biến. Hãng xe Đức này nhấn mạnh đến hệ thống cảm biến mà "phối hợp cùng nhau". Nếu như Tesla chỉ sử dụng thuần Camera để "nhìn" thì Mercedes lại sử dụng rất nhiều cảm biến, bao gồm camera, cảm biến siêu âm, cảm biến sóng radio, LiDAR.
Ngoài ra còn có cảm biến độ ẩm, mic thu âm, giúp cho hệ thống lái tự động của Mercedes có thể đánh giá môi trường tốt hơn trong bất kể điều kiện thời tiết. Tổng cộng, Mercedes có khoảng 30 cảm biết luôn hoạt động, đảm bảo an toàn nếu như có bất trắc xảy ra.
Không chỉ tương trợ nhau, các cảm biến của Mercedes cũng bù trừ các điểm yếu của nhau. Ông Markus Schafer, Giám đốc Kỹ thuật của Mercedes, giải thích vì sao hệ thống lái tự động Drive Pilot lại được trang bị nhiều công nghệ đến như vậy: "Chúng tôi hiểu rằng trang bị thừa là cách tiếp cận đúng với công nghệ lái tự động cấp độ 3 trở lên. Nói về cảm biến, sử dụng kết hợp Lidar, Radar và camera là việc không thể thiếu. Chúng tôi có thể bù đắp điểm yếu của cảm biến này bằng cảm biến khác tùy tình huống. Chỉ sử dụng một loại cảm biến sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cao của Mercedes."
Trên thực tế, phải tới giữa tháng 5/2021 thì công nghệ tự lái có điều kiện Drive Pilot mới sẵn sàng để sử dụng trên các mẫu Mercedes S-Class và EQS ở châu Âu; cũng từ mốc thời gian đó mà Mercedes được ghi nhận là hãng xe đầu tiên trên thế giới có công nghệ tự lái cấp độ 3. Một điều thú vị đáng được nhắc tới là Mercedes thậm chí còn trang bị sẵn cho công nghệ Intelligent Park Pilot - công nghệ tự lái thông minh cấp độ 4 không cần tài xế.
Quay trở lại với Drive Pilot, công nghệ tự lái có điều kiện cấp độ 3 này có đủ năng lực để kiểm soát tốc độ, khoảng cách với các phương tiện cùng tham gia giao thông, và giữ làn. Khi đạt đủ điều kiện hoạt động (thời tiết thuận lợi, di chuyển trên đường cao tốc mà Mercedes đã bản đồ hóa từ trước), Drive Pilot có thể thay thế vai trò của lái xe, tự vận hành ở tốc độ tối đa 60km/h.
Trong trường hợp bị lỗi kỹ thuật, Drive Pilot có thể tự nhận biết và chuyển giao lại trách nhiệm cầm lái cho tài xế một cách an toàn. Nếu như tài xế không thể cầm lái vì lý do sức khỏe, chiếc xe sẽ tự động dừng xe khẩn cấp mà "không gây mất an toàn đến luồng giao thông di chuyển phía sau".
Theo autopro