Để tiếp cận khách hàng, ngoài cuộc đua sản phẩm và chính sách giá, các hãng ô tô mới gia nhập thị trường Việt Nam còn tham gia một cuộc đua thầm lặng hơn - cuộc đua về chính sách sau bán hàng.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hạ tầng giao thông và nhiều hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, ô tô cá nhân đã trở nên phổ biến với người Việt và được nhìn nhận đúng chức năng, giá trị thực là phương tiện di chuyển. Hiện tại, chỉ cần trên 300 triệu đồng, người Việt đã có thể sở hữu một chiếc ô tô cỡ nhỏ để chở cả gia đình về quê, đi du lịch, vừa an toàn lại không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như nắng, gió, mưa, bụi,...
Theo dữ liệu của Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA), năm 2020, cứ 1.000 người thì có 55 người sở hữu ô tô tại Việt Nam. Đáng chú ý, nhờ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, Việt Nam có tỷ lệ sở hữu ô tô tăng nhanh nhất thế giới. Trong giai đoạn năm 2015 - 2020, tỷ lệ này của Việt Nam tăng tới 17%/năm.
Tỷ lệ người Việt sở hữu ô tô, đặc biệt đối tượng khách trẻ lần đầu đầu mua xe, tăng nhanh trong thời gian qua khiến nhu cầu sử dụng ô tô cũng đa dạng hơn, nhất là hình thức du lịch tự túc bằng ô tô cá nhân. Sự phổ biến của hình thức du lịch này có thể nhìn thấy qua đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, khi hàng dài ô tô nối đuôi nhau rời khỏi các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM để đến những địa điểm du lịch nổi tiếng: Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu,...
"Điều tôi thích ở việc du lịch bằng ô tô cá nhân vì có thể tự tạo ra những trải nghiệm mới lạ mà không một tour du lịch nào có thể mang tới. Thấy chỗ nào đẹp thì dừng lại, thấy mệt thì nghỉ ngơi, thấy cái gì hay ho thì tấp vào xem. Tôi hoàn toàn có sự linh hoạt cũng như chủ động dựa trên sở thích và nhu cầu bản thân và gia đình", anh Thành Vinh một trong những khách hàng trẻ, mua xe lần đầu chia sẻ sau chuyến đi xuyên Việt cùng gia đình hè năm 2023.
Cuộc đua thầm lặng của các hãng ô tô
Nhu cầu đi lại đa dạng cũng kéo theo nhu cầu tăng cao về dịch vụ cứu hộ. Hầu hết các hãng xe tại Việt Nam hiện tại đều triển khai dịch vụ cứu hộ để tăng doanh thu. Trong đó, các hãng xe mới gia nhập thị trường Việt Nam thường chọn cách tặng miễn phí dịch vụ này để kích cầu doanh số, chứng minh chất lượng sản phẩm và tạo niềm tin với khách hàng.
Gần đây nhất, Lynk & Co công bố chương trình Roadside Assistance (RSA). Đây là dịch vụ trực tiếp hỗ trợ, xử lý những sự cố bất ngờ trên đường như thay lốp dự phòng, vá lốp, đấu ắc-quy trong trường hợp hết điện hoặc mua xăng giúp khách hàng,... Dịch vụ này thực sự hữu ích cho những khách hàng lần đầu sở hữu xe, chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng xe và xử lý các tình huống bất ngờ.
Đối với những sự cố phức tạp hơn, hãng còn có thêm dịch vụ hỗ trợ cẩu, kéo xe tới các xưởng bảo dưỡng chính hãng gần nhất hoàn toàn miễn phí. Cả hai dịch vụ trên đều được Lynk & Co phục vụ 24/7 cho khách hàng ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam.
Không riêng Lynk & Co, các thương hiệu như VinFast và MG cũng áp dụng cố định chính sách miễn phí dịch vụ cứu hộ cho toàn bộ sản phẩm. Với các hãng xe đã có vị trí vững chắc trên thị trường, dịch vụ cứu hộ chính hãng được tính phí hoặc được tặng theo từng đợt ưu đãi, khuyến mãi.
Anh Đặng Minh, một người có nhiều năm kinh nghiệm sử dụng ô tô, nhìn nhận: "Người tiêu dùng ít để ý tới những chính sách này, nhưng nếu không may gặp sự cố thì chi phí không hề rẻ. Mỗi lần cứu hộ có thể tiêu tốn tiền triệu, thậm chí là tốn kém nhiều hơn nếu gặp sự cố ở những nơi hẻo lánh, ít người qua lại".
"Đó là chưa kể đến những dịp lễ Tết, chủ xe có thể bị chặt chém, tăng giá nhưng vẫn phải nhắm mắt chấp nhận để tiếp tục chuyến đi", anh Minh cho biết.
Dịch vụ cứu hộ miễn phí cần gắn liền với hệ thống xưởng dịch vụ rộng khắp cả nước
Tuy nhiên, với những sự cố phức tạp, dịch vụ cứu hộ miễn phí chỉ "hoàn hảo" khi gắn liền với hệ thống xưởng dịch vụ chính hãng rộng khắp cả nước. Lynk & Co hiện có 2 xưởng dịch vụ đặt tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng được tiếp cận hệ thống gần 100 xưởng dịch vụ chính thức của hệ thống Tasco Auto (sở hữu Savico). Các hãng xe khác đang triển khai dịch vụ cứu hộ miễn phí cũng hiểu rõ điều này. Ví dụ như VinFast đang sở hữu gần 90 đại lý, xưởng dịch vụ trên cả nước. Tương tự, MG hiện sở hữu hệ thống gần 50 đại lý, xưởng dịch vụ.
"Với những thương hiệu sở hữu ít xưởng dịch vụ, thời gian cứu hộ thông thường sẽ lâu hơn, nếu muốn đưa xe tới xưởng dịch vụ chính hãng phải di chuyển về những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM khiến cả chuyến đi phải dừng lại, hoặc hãng có thể thỏa thuận với khách hàng để 'kéo' xe tới một garage tư nhân gần nhất", anh Minh cho biết.
Anh nói thêm: "Ngược lại, với những thương hiệu có hệ thống xưởng dịch vụ rộng khắp cả nước, thời gian cứu hộ thường sẽ nhanh hơn, xe dễ dàng được đưa về xưởng dịch vụ chính hãng để kiểm tra, khắc phục sự cố. Mọi thông tin sửa chữa đều được lưu lại để sau này tra cứu. Kỹ thuật viên của xưởng dịch vụ chính hãng có chuyên môn cao do được đào tạo bài bản nên chủ xe có thể yên tâm hơn. Nhìn chung, từ khâu cứu hộ đến sửa chữa đều do chính hãng xe triển khai sẽ đảm bảo quyền lợi cao nhất cho khách hàng".
Một chuyên gia ngành ô tô cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sức mua ô tô giảm, các hãng ô tô đang cạnh tranh bằng mọi cách, từ chất lượng sản phẩm, chính sách giá cho đến các chính sách sau bán hàng.
"Nếu như chất lượng sản phẩm và chính sách giá là những hình thức cạnh tranh trực diện, tác động lớn đến quyết định mua hàng, thì chính sách sau bán hàng là hình thức cạnh tranh thầm lặng hơn, ít tác động đến quyết định mua hàng nhưng lại đem lại sự hài lòng về lâu dài, tạo dựng niềm tin, tình yêu với thương hiệu. Và đây cũng chính là những tiêu chí mà những khách hàng thông minh thường cân nhắc", vị chuyên gia đánh giá.
Theo autopro