Thông thường vào thời điểm cuối năm, sức mua thường tăng vọt và nhiều hãng xe đẩy mạnh nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu.
Tuy nhiên, năm nay, diễn biến có phần bất thường khi hoạt động nhập khẩu ô tô của nhiều hãng xe tạm ngưng trệ để chờ thuế mới, trong khi người tiêu dùng tiếp tục mang tâm lý chờ đợi sang 2018 mới quyết định mua xe…
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ 1/1/2018, ô tô sản xuất trong ASEAN đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối trên 40%, khi nhập về Việt Nam sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0%, thay vì 30% như hiện nay.
Với kỳ vọng giá xe sẽ giảm mạnh, nhiều người tiêu dùng mang tâm lý chờ đợi sang năm mới "tậu" xe trong khi nhiều hãng xe tạm hoãn nhập khẩu ô tô trong giai đoạn cuối năm. Đại diện một DN nhập khẩu ô tô cho hay, Tết năm nay gần sát với thời điểm giảm thuế, do đó nhiều DN phải tính toán lại bài toán lợi ích kinh doanh.
Cụ thể, xe nhập về trong năm 2017 phải chịu thuế nhập khẩu 30% trong khi đó chỉ còn chưa vài ngày nữa sẽ đến ngày, thuế nhập khẩu xe từ ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ về mức 0%. Mức thuế chênh lệch, khiến phần lớn DN không dám mạo hiểm nếu tính đến bài toán kinh tế.
Xe về đến cửa vẫn nằm chờ
Không chỉ dừng lại ở việc trì hoãn nhập khẩu mà hiện còn có tình trạng nhiều hãng xe đã mang xe về tới tận cửa khẩu rồi nhưng vẫn “dùng dằng” chưa chịu cho thông quan để chờ đến thời điểm thuế giảm.
Theo khảo sát, hiện tại có khoảng 3.000 ô tô của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Toyota, Ford, Misubishi, Nissan, Lamborghini, Bentley,... đang tập kết tại bãi cảng Tân Vũ (thuộc Công ty CP cảng Hải Phòng) chờ làm thủ tục nhập khẩu. Trong đó, nhiều lô xe đã cập cảng trước đó vài tháng nhưng chưa được doanh nghiệp làm thủ tục để nhận hàng.
Hàng ngàn xe nằm cảng chưa chịu thông quan
Lượng xe nhập khẩu giảm còn thể hiện ở con số thu ngân sách của hải quan giảm sút đáng kể trong những tháng qua. Theo Cục Hải quan Hải Phòng, con số hụt thu trong 6 tháng cuối năm từ mặt hàng ô tô có thể lên đến khoảng 2.800 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm.
Riêng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (đơn vị có số thu lớn nhất từ mặt hàng ô tô trong toàn Cục), từ tháng 8 trở về trước trung bình số thu từ ô tô nhập khẩu đạt khoảng 500-600 tỷ đồng/tháng, nhưng tháng 9 và tháng 10 giảm mạnh chỉ còn hơn 100 tỷ đồng, tháng 11 và tháng 12 dự kiến DN ngừng làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng này.
Một điều khó hiểu nữa là thuế nhập khẩu xe bán tải có form D từ Asean về hiện chỉ có 5% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố không thông quan, dù hiện tại không phải áp dụng bất cứ quy định nào của NĐ 116 - vốn đang được VAMA kêu là không thể thực hiện ngay.
Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất thuộc khối ASEAN là Thái Lan và Indonesia về Việt Nam giảm sút đáng kể. Nếu như lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 8/2017 từ Indonesia và Thái Lan là 2.053 chiếc và 2.967 chiếc thì sáng tháng 9 chỉ còn 320 chiếc và 2.765 chiếc tương ứng. Sang tháng 10, con số này tiếp tục giảm xuống còn 261 chiếc và 2.291 chiếc được
Một cán bộ của Tổng cục Hải quan chia sẻ, việc mở tờ khai hải quan và thông quan thời điểm này không hề có vướng mắc gì sở dĩ có tình trạng các DN ô tô đã mang xe về nhưng chưa làm thủ tục thông quan có thể do còn chờ đợi thời điểm từ ngày 1/1/2018.
“DN không phải gặp bất cứ khó khăn gì về mặt giấy tờ. Thậm chí, trong tuần làm việc cuối năm 2017 này, ngày làm việc của cơ quan hải quan các cửa khẩu sẽ là cả ngày 30 và 31/12/2018, đủ để cho các DN mở tờ khai và được chấp nhận”, một cán bộ hải quan cho hay.
Theo tính toán, một chiếc xe có giá khai báo hải quan là 10.000 USD, nếu mở tờ khai hải quan và được chấp nhận trước ngày 1/1/2018 sẽ có giá sau khi tính thuế là 20.735 USD (gồm 10.000 giá xe tính thuế + 3.000 USD thuế nhập khẩu + 5.850 USD thuế tiêu thụ đặc biệt + 1.885 USD thuế giá trị gia tăng).
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2018 trở đi, vẫn giá trị xe là 10.000 USD, giá trị xe sau khi tính thuế chỉ còn là 15.400 USD (gồm 10.000 USD giá tính thuế + 4.000 USD thuế tiêu thụ đặc biệt + 1.400 USD thuế giá trị gia tăng), giảm được khoảng 5.000 USD, tương đương khoảng 110 triệu đồng so với ban đầu.
Rủi ro không có hàng bán Tết
Vì lý do lợi ích kinh doanh mà nhiều DN chờ tới thời điểm thuế giảm mới làm thủ tục thông qua cho lô hàng của mình. Tuy nhiên, giới am hiểu thị trường cho rằng, cũng từ ngày 1/1/2018, Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực sẽ đi kèm với hàng loạt những điều kiện, quy định mới ràng buộc đối với xe nhập khẩu. Do vậy, nếu không có kế hoạch thì DN sẽ đứng trước khả năng không thông quan nổi trong 2 tháng đầu tiên của năm 2018 khiến thị trường vỡ trận bởi không có hàng bán trong mùa cao điểm trước Tết.
dien-bien-la-nguy-co-vo-tran-o-to-mua-tet-2018-1.jpg
Các hãng xe đang đòi hỏi, chờ đợi bất chấp rủi ro có thể xảy ra
Có thể đã lường trước được rủi ro này, nên trong khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều DN trong VAMA như Toyota, Ford đã liên tiếp đề xuất việc hoãn thi hành các quy định đối với việc nhập khẩu xe ô tô tại Nghị định 116 trong ít nhất 6 tháng.
Tuy nhiên, nếu đề xuất này được chấp thuận, thì đồng nghĩa với việc, các hãng xe nhập khẩu vừa tranh thủ được hưởng lợi thuế 0% vừa không phải chịu bất cứ ràng buộc nào.
Trái ngược với cảnh khan hàng đội giá bán của một số mẫu xe nhập khẩu thời gian qua, thị trường ô tô cũng chứng kiến điểm sáng của hàng loạt các hãng xe nội. Theo đó, hàng loạt mẫu xe lắp ráp trong nước liên tiếp được các nhà sản xuất nâng cấp mẫu mã giảm giá bán nhằm hút khách dịp cuối năm.
Trường Hải (THACO) làm mới mẫu Crossover 5 chỗ Mazda CX-5 đồng thời trình làng thế hệ mới của Peugeot 3008 và 5008. Ngoài ra, cùng với Toyota, Hyundai Thành Công hay Nissan, THACO cũng công bố mức giá bán xe mới áp dụng cho thời điểm từ 1/1/2018.
“Tuy nhiên, động thái này có lẻ chưa đủ sức để vực dậy thị trường trong giai đoạn cuối năm. Cùng với sự nỗ lực của các nhà sản xuất trong nước cũng cần những động thái mới từ các hãng xe nhập khẩu, không thể vừa muốn giảm thuế, vừa muốn hưởng lợi từ một thị trường không có bất cứ quy định nào ràng buộc về trách nhiệm, quyền lợi cho người tiêu dùng”, một chuyên gia nói.
Theo Việt Nam Net