+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Doanh số Ford, Mitsubishi, Suzuki, Isuzu 'teo tóp', nguyên nhân không hẳn do Covid

Cập nhật: 09:18 17/09/2021
Doanh số ô tô của Mitsubishi, Ford, suzuki, Isuzu có xu hướng giảm về MORE trong tháng 8 vừa qua. Tình trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa.
 
Theo báo báo cáo mới nhất của VAMA - Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam,trong tháng 8 vừa qua, toàn thị trường tiêu thụ 8.884 xe, giảm 45% so với tháng trước và giảm 57% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Trong đó, doanh số xe du lịch đạt 6.231 xe (giảm 40%), xe thương mại 2.344 xe (giảm 55%) và xe chuyên dụng đạt 309 xe (giảm 33%). Chia theo nguồn gốc xuất xứ, doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 5.345 xe. Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 3.539 xe, giảm mạnh so với tháng trước.
 
 
Doanh số Ford, Mitsubishi, Suzuki, Isuzu "teo tóp", nguyên nhân không hẳn do Covid. (Ảnh: Khải Phạm)
 
Hầu hết các thương hiệu đều giảm doanh số. Trong đó "ông lớn" Hyundai đã để mất ngôi vương vào tay VinFast. Toyota vẫn là hãng xe bán chạy thứ 2 trên thị trường nhưng không thoát khỏi tình trạng trượt dốc.
 
Cuộc đua doanh số tháng 8 ghi nhận nhiều hãng xe có doanh số dưới 500 xe gồm: Ford bán 477 xe, Mitsubishi 257 xe, Suzuki 111 xe, Isuzu 113 xe... Đây là mức doanh số thấp đáng ngạc nhiên đối với quy mô của một thương hiệu ô tô bình dân. Nguyên nhân do đâu?
 
Dịch Covid + tháng "cô hồn" - Thử thách doanh nghiệp non gan 
 
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bất ngờ bùng phát làm mọi thứ chiều theo hướng tiêu cực. Không khí ảm đạm chưa từng có của thị trường ô tô xâm chiếm mọi ngóc ngách và khiến các nhà hoạch định chiến lược bất an. Đặc biệt là khi thị trường ô tô bắt đầu chạm tới quỹ thời gian ế ẩm nhất trong năm - Tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng "cô hồn".
 
Tâm lý kiêng kỵ mua sắm là một trong những lý do khách hàng không mặn mà đặt xe. (Ảnh: Ngô Minh)
 
Tháng 8 năm nay trùng với tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch). Tâm lý kiêng kỵ mua sắm tài sản lớn tháng "cô hồn" là một trong những lý do khách hàng không mặn mà đặt xe. Đây là một hiện tượng quá đỗi quen thuộc đối với các nhà kinh doanh ô tô.
 
Dịch Covid-19 cùng với hiệu ứng kiêng kỵ tháng cô hồn làm thị trường ô tô tê liệt. Bản năng sinh tồn là tìm cách thích nghi. Thế nhưng không phải hãng ô tô nào cũng làm tốt điều đó.
 
Doanh số chạm đáy, sai ở chiến lược...
 
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước phải thực hiện giãn xã hội. Các showroom ngừng hoạt động. Ngay từ khi đối diện với thực tế này, một số hãng xe đã chuyển sang hình thức kinh doanh online với kế hoạch tiếp cận khách hàng bài bản, vừa đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid hiệu quả, vừa duy trì doanh thu.
 
Isuzu không mặn mà với cuộc đua giảm giá. (Ảnh: Ngô Minh)
 
Chương trình giảm giá kích cầu được tận dụng triệt để, hàng loạt mẫu ô tô chủ lực giảm giá sâu bù đắp doanh số cho những mẫu kén khách. Đại lý chấp nhận "cắt máu" giảm tới trăm triệu cho những mẫu xe thuộc Top ế. Ưu đãi hấp dẫn cùng sự hỗ trợ nhiệt tình chính là công cụ giúp VinFast, Toyota, Hyundai duy trì phong độ trong cuộc đua doanh số.
 
Ngược lại, Suzuki, Isuzu không mặn mà với cuộc đua giảm giá và gần như không đẩy mạnh biện pháp thay thế phương thức bán hàng truyền thống. Chính vì thế lượng tiêu thụ ô tô bết bát. Doanh số Suzuki, Isuzu chỉ đạt hơn trăm xe. Thêm nữa, Suzuki, Isuzu là những thương hiệu có danh mục sản phẩm sơ sài nên khó cạnh tranh.
 
Suzuki có danh mục sản phẩm sơ sài nên khó cạnh tranh. (Ảnh: Ngô Minh)
 
Trường hợp cá biệt thuộc về Mitsubishi và Ford. Hãng xe Nhật chăm chỉ tung ra chương trình ưu đãi nhưng không quyết liệt. Các đối thủ kết hợp với đại lý thực hiện chương trình giảm giá sâu lên tới 50-100 triệu nhưng xe Mitsubishi chỉ ưu đãi "nửa vời". Ford cũng triển khai kế sách tương tự.
 
Trong khi đó, VinFast với danh mục sản phẩm chỉ gồm 3 mẫu xe vẫn duy trì mức tiêu thụ hơn 2.000 xe/tháng nhờ ưu đãi hấp dẫn, cách tiếp cận khách hàng, kích cầu bài bản, áp dụng chính sách hỗ trợ chờ nhận xe với số tiền lên tới 20 triệu đồng/tháng,... 
 
Sự "chịu chơi", dám đi ngược với chiến lược "thận trọng" số đông giúp VinFast "sống khỏe" trong mùa dịch, dễ dàng vượt qua nỗi ám ảnh "tháng cô hồn", đồng thời giành lấy vị trí dẫn đầu từ Hyundai.
 
Có thể thấy, chiến lược tiếp cận khách hàng là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của mỗi thương hiệu tại mỗi thời điểm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp ô tô cần tìm hướng đi mới, chiến lược mới, vận dụng linh hoạt kế sinh tồn mới có thể duy trì vị thế tại thị trường Việt Nam.
 
Theo oto
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng