Thị trường xe ôm công nghệ trông chờ sự gia nhập của hãng xe điện Việt Nam để tạo ra đối trọng với các ứng dụng gọi xe công nghệ đa quốc gia, qua đó giúp người dùng hưởng lợi
Sau khi triển khai rầm rộ việc đưa ô tô điện vào hoạt động trong lĩnh vực taxi, Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) đang chuẩn bị tuyển tài xế và nhân sự để đưa xe máy điện tham gia vào thị trường xe công nghệ phục vụ vận chuyển hành khách và giao hàng.
Sôi động
Theo tìm hiểu của phóng viên, GSM đã hoàn thành việc xây dựng ứng dụng gọi xe công nghệ và sẵn sàng bật chế độ vận hành cho hành khách sử dụng khi chính thức khởi động kế hoạch này - dự kiến ngay trong năm nay.
Trước GSM, nhiều hãng xe công nghệ đã chuẩn bị cho cuộc chơi mới với kế hoạch thử nghiệm sớm dòng xe hai bánh chạy điện. Tháng 5-2023, ứng dụng gọi xe Gojek cùng thương hiệu xe máy điện Dat Bike hợp tác thí điểm sử dụng xe máy điện để phục vụ nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng Gojek. Với quan hệ hợp tác này, Gojek trở thành hãng gọi xe công nghệ đầu tiên tại Việt Nam vận chuyển hành khách bằng xe máy điện. Việc sử dụng xe điện được đánh giá sẽ giúp đối tác tài xế giảm chi phí nhiên liệu hơn 4 lần so với xe xăng, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động bên cạnh góp phần bảo vệ môi trường.
Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, ứng dụng BAEMIN cũng ký kết với Công ty Selex Motor - doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xe máy điện - thử nghiệm đưa xe hai bánh chạy điện vào phục vụ giao hàng. Một tháng sau, BAEMIN tiếp tục hợp tác với Dat Bike triển khai giao hàng bằng xe máy điện.
Thông tin về kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo, đại diện Dat Bike cho hay sắp tới sẽ hợp tác với một số hãng xe công nghệ khác để đưa xe máy điện vào chạy dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, thực phẩm. Ông Sơn Nguyễn, CEO Dat Bike, cho biết dự án này là một phần trong tầm nhìn của doanh nghiệp về việc chuyển đổi toàn bộ xe máy chạy xăng sang chạy điện tại Việt Nam và Đông Nam Á. Lực lượng đối tác tài xế xe công nghệ vô cùng đông đảo và là những người có nhu cầu sử dụng xe máy tần suất lớn. Thông qua dự án, Dat Bike mong muốn thuyết phục được nhiều người dùng hơn nữa, bao gồm các đối tác tài xế công nghệ, về tiện ích mà xe điện có thể mang lại.
Siêu ứng dụng Grab cũng công bố vào ngày 23-5 vừa qua, Selex Motor chính thức hợp tác với GrabExpress triển khai thử nghiệm sử dụng hệ sinh thái xe máy điện Selex cho hoạt động giao hàng tại TP HCM. Trong đợt thử nghiệm này, một nhóm đối tác tài xế GrabExpress sẽ sử dụng xe điện Selex Camel và dịch vụ đổi pin của Selex để giao hàng. Khi pin hết dung lượng, tài xế có thể tìm và đổi pin một cách tiện lợi tại các trạm đổi pin tự động thông qua ứng dụng đổi pin Selex.
Dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa tại TP HCM đã có sự tham gia của phương tiện xe hai bánh chạy điện
Lợi thế của thương hiệu Việt
Trong bức tranh thị trường gọi xe công nghệ sôi động với nhóm siêu ứng dụng nước ngoài gồm Grab, Be và Gojek đang chiếm thị phần áp đảo, nhiều ý kiến nghi ngại về sự thành công của các ứng dụng, hãng xe thuần Việt.
"Các đối thủ đa quốc gia không ngần ngại "đốt tiền" cả chục năm qua để giành giật thị phần. Đến nay, họ đã đứng vững trên thị trường nhờ hình thành được thói quen và định vị được thương hiệu đối với người tiêu dùng. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp đi sau, nhất là những doanh nghiệp không có đủ tiềm lực kinh tế để tham gia cuộc chơi lâu dài" - một chuyên gia công nghệ bình luận.
Dẫu vậy, không ít ý kiến cho rằng doanh nghiệp gia nhập thị trường muộn nhưng có điểm khác biệt thì vẫn còn nhiều cơ hội. Việc các hãng xe công nghệ lớn nhanh chân thử nghiệm dịch vụ vận chuyển bằng xe điện cho thấy họ đánh giá thị trường sẽ có phản ứng tốt với phương tiện thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các hãng xe thuần Việt khi triển khai dịch vụ mới sẽ có lợi thế về mặt thương hiệu. Trong đó, GSM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng có đến 2 lợi thế là tiềm lực mạnh và là thương hiệu nội địa. Tuy nhiên, giới chuyên gia thị trường nhận định các hãng xe công nghệ khác cũng sẽ sớm có đối sách về chính sách giá và cải tiến hệ sinh thái vốn đã đứng vững nhiều năm qua để tăng sức cạnh tranh.
Thạc sĩ Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, chỉ rõ dịch vụ gọi xe công nghệ thực chất là "trò chơi dòng tiền". Bên nào có dòng tiền dồi dào, chiết khấu cao, nhiều mã giảm giá... thì khách hàng sẽ tìm đến. Còn những hãng xe mới vào thị trường, nếu dòng tiền không mạnh, có thể gặp bất lợi. Tuy nhiên, GMS có thể chiếm được cảm tình, sự ủng hộ nhất định của người dùng Việt.
Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, sử dụng xe điện đang trở thành xu thế không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Nếu được đầu tư đúng mức, cung cấp nhiều tiện ích, giá cả hợp lý sẽ được khách hàng chọn sử dụng.
GS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận việc đưa xe điện vào ứng dụng ngày càng nhiều có ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi một hãng xe Việt đưa sản phẩm của mình vào khai thác dịch vụ sẽ tạo ra đối trọng với các hãng xe công nghệ đa quốc gia, qua đó giúp giá dịch vụ cạnh tranh hơn, có lợi cho người sử dụng.
Việt Nam là thị trường quan trọng
Ông Sumit Rathor, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, nhận định Việt Nam là thị trường quan trọng của hãng gọi xe này. Việc sử dụng xe máy điện mang đến lợi ích cho toàn bộ hệ sinh thái và người dùng, đồng thời tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng. Gojek đang tiến tới chuyển đổi phương tiện vận hành sang 100% xe điện.
Theo ông Jinwoo Song, Tổng Giám đốc BAEMIN Việt Nam, việc đưa xe máy điện vào hoạt động là nỗ lực của BAEMIN trong hành trình hướng tới phát triển bền vững.
Theo autopro