Luật sư phân tích tính pháp lý trong tình huống tài xế lái ô tô tông thẳng vào 2 tên trộm chó khiến 2 kẻ này ngã nhào ra đường.
Ngày 19/10, cơ quan chức năng đã bắt giữ 2 thanh niên trộm chó của nhiều nhà dân ở ở khu vực quận 12 (TP.HCM).
Trước đó, mạng xã hội chia sẻ clip 2 thanh niên trộm chó bị tài xế ô tô tông ngã nhào ra đường khi cả hai đang cất tang vật trên đường, gây xôn xao dư luận. Nhiều người ủng hộ hành động của tài xế ô tô nhưng bên cạnh đó, có người đặt câu hỏi, hành động của tài xế liệu có vi phạm pháp luật?
Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi của người lái xe ô tô trong tình huống trên được pháp luật cho phép, tuy nhiên hành vi này là không khuyến khích và phải thận trọng để tránh đi quá giới hạn gây ra thiệt hại tính mạng cho hai đối tượng trộm chó.
Hình ảnh cắt từ clip tài xế ô tô lao xe hất 2 kẻ trộm chó
"Phát hiện ra 2 tên trộm cắp chó thì bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ, đây là sự việc thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang. Tình huống này, người bắt trộm được phép gây ra thương tích cho đối tượng trong một mức độ nhất định nhằm bắt giữ đối tượng.
Việc gây ra thương tích không phải là hành vi cố ý, mục đích là để bắt giữ đối tượng gây án. Gây thương tích trong quá trình bắt giữ tội phạm là một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự", luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Theo luật sư, pháp luật cho phép mọi công dân đều có quyền sử dụng vũ lực để bắt giữ tội phạm khi không còn cách nào khác, hành vi sử dụng vũ lực này có thể gây ra thiệt hại đến sức khỏe cho người phạm tội.
Cần lưu ý, việc sử dụng vũ lực phải là giải pháp cuối cùng với mục đích sử dụng vũ lực để bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang chứ không nhằm mục đích gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người phạm tội.
Nếu người nào bắt giữ người phạm tội quả tang mà cố ý gây thương tích, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người phạm tội thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Tang vật 2 tên trộm chó bỏ lại tại hiện trường.
Ông Cường cho biết thêm, hành vi sử dụng vũ lực để bắt giữ tội phạm chỉ được thực hiện trong trường hợp phạm tội quả tang. Với những trường hợp chưa có căn cứ rõ ràng đó là người phạm tội hoặc là người đang bị truy nã thì không được phép sử dụng vũ lực một cách tùy tiện để gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Ngoài ra, khi đã bắt giữ được đối tượng phạm tội thì phải bàn giao ngay cho cơ quan chức năng, không được đánh đập, gây thương tích, sát hại người phạm tội quả tang khi họ không còn chống trả, không bỏ chạy nữa.
"Trong clip nêu trên, người lái xe ô tô chủ động đâm xe vào hai thanh niên đi xe máy chở theo bao chó. Mặc dù người lái xe ô tô đã phanh lại để tránh hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên cú va chạm đó cũng khiến hai thanh niên ngã ra đường nhưng không gây ra thương tích gì, đồng thời hai đối tượng này đã bỏ chạy, để lại rất nhiều chó và chiếc xe máy.
Đây là những vật chứng quan trọng để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ đối tượng gây án nhằm xử lý theo quy định của pháp luật", ông Cường nêu quan điểm.
Trong vụ va chạm này, luật sư Cường cho rằng, nếu hai đối tượng bị thương tích thì cũng không đáng kể và người lái xe ô tô sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này, trường hợp này được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 24 của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, dù tài xế ô tô không bị xử lý nhưng nếu người khác làm theo, học theo thì rất có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi của hai thanh niên nghi trộm chó trên để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời cũng sẽ nhắc nhở người lái xe ô tô trong việc xử lý tình huống bắt giữ tội phạm để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo autopro