Thiết kế góc cạnh của chiếc bán tải điện cùng vật liệu thân xe bằng thép không gỉ có thể gây tổn thương với người khác.
Các chuyên gia an toàn lo ngại rằng thân xe quá cứng chắc của Tesla Cybertruck có thể làm tổn thương người đi bộ, đi xe đạp trên đường. Thậm chí, chiếc bán tải điện cũng có thể gây hư hại tới các phương tiện khác.
Những ý kiến liên quan tới mức độ an toàn của Cybertruck được nêu lên sau khi Reuters hỏi một số chuyên gia đã xem các video thử nghiệm va chạm do Tesla thực hiện với chiếc bán tải.
Những video thử nghiệm va chạm được Tesla phát trực tuyến vào ngày 30/11 - ngày đầu tiên hãng giao xe cho khách hàng sau 4 năm chờ đợi. Những tranh luận lập tức nổ ra trên các kênh mạng xã hội. Các chuyên gia nói họ cần có dữ liệu thử nghiệm va chạm để đi đến kết luận chắc chắn về độ an toàn.
"Vấn đề lớn nhất là nếu họ thực sự làm vỏ xe thật cứng bằng cách dùng thép không gỉ, và rồi khi ai đó đập đầu vào xe, thì sẽ gây ra những tổn thương lớn", Adrian Lund - cựu chủ tịch Viện Bảo hiểm An toàn Cao tốc (IIHS) - nói.
Tesla quảng bá rằng kết cấu của chiếc bán tải hấp thu lực tác động trong trường hợp xảy ra va chạm. Giám đốc điều hành Elon Musk nói trên một bài đăng trên mạng xã hội hôm 5/12, rằng "rất tự tin" là Cybertruck sẽ an toàn hơn những mẫu bán tải khác đối với người trên xe cũng như người đi bộ.
Xe được thiết kế với những bề mặt phẳng kéo dài, nhiều góc cạnh. Đây cũng là mẫu xe đầu tiên với phần thân bằng thép không gỉ kề từ khi mẫu DeLorean ra mắt (1981-1982). Vật liệu này thậm chí phá vỡ cả máy dập - thứ tạo ra chính các tấm ốp thân xe - theo lời của Musk khi nói về độ cứng của chiếc xe.
Trong sự kiện ra mắt tại nhà máy ở Austin, bang Texas, Tesla nói các tấm thân xe bằng tấm thép không gỉ cán nguội được thiết kế để hấp thu lực tác động khi va chạm. Kết cấu phần đầu và đuôi xe có các thanh hấp thu năng lượng giúp tiêu hao năng lượng khi va chạm, và nếu va chạm bên hông, cửa xe sẽ chịu trách nhiệm với phần lớn tác động xảy ra.
Samer Hamdar - giáo sư về an toàn ôtô tại Đại học George Washington - nêu những lo ngại về "các khu vực hấp thu xung lực" (crumple zones) bị hạn chế, nhưng thêm rằng những tính năng khác có thể cải thiện điều này. Khu vực hấp thu xung lực là một phần của ôtô, biến dạng trong trường hợp xảy ra va chạm theo cách hấp thu một cách an toàn năng lượng từ bên ngoài tác động vào chiếc xe.
Có giá khởi điểm 61.000 USD, Cybertruck sẽ không phải sản phẩm sản xuất số lượng lớn như các mẫu xe khác của Tesla, nhưng Musk nói Tesla có thể đạt sản lượng 250.000 chiếc Cybertruck mỗi năm vào 2025.
Trong khi những lo ngại về an toàn của Cybertruck đã bắt đầu dấy lên tại Mỹ, nơi xe đã bán ra, thì Tesla chưa đề cập đến việc sẽ bán sản phẩm này ở châu Âu. Nhưng mới đây, giám đốc kỹ thuật của hãng từng nói với TopGear, rằng các quy định về an toàn ở châu Âu khác với Mỹ, khi hạn chế độ nhô bên ngoài chiếc xe, có thể khiến Cybertruck khó bán ở châu lục già, chưa kể những trở ngại khác.
"Chúng tôi hy vọng Tesla không mang chiếc xe này đến châu Âu. Một chiếc xe với kích thước, sức mạnh và sức nặng như thế có thể gây chết người với người đi bộ và đi xe đạp", Ủy ban An toàn Giao thông châu Âu (ETSC) nói trong một thông báo.
Theo autopro