Nhờ trợ cấp chính phủ, xe điện Trung Quốc đang nổi lên như một thương hiệu dẫn đầu về giá tại các quốc gia Đông Nam Á.
Khi chồng bắt đầu chuyển công tác tới Bangkok, Wimonsiri Boonyopakorn, một giáo viên 35 tuổi đã quyết định mua ô tô để mỗi cuối tuần tới thăm chồng. Cô rất ngạc nhiên khi biết một số mẫu xe điện đến từ Trung Quốc có giá thấp hơn nhiều so với những phương tiện chạy xăng có kích thước tương tự, theo WSJ.
Nhờ trợ cấp chính phủ, xe điện Trung Quốc nổi lên như một thương hiệu dẫn đầu về giá tại các quốc gia Đông Nam Á, nơi những thương hiệu Nhật Bản như Toyota hay Isuzu từ lâu đã kiểm soát gần như phần lớn thị trường. Điều này trái ngược với các quốc gia phát triển như Mỹ, nơi xe điện thường được bán cho những khách hàng giàu có và nhiều khả năng chi trả.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang mang đến cho thế giới nhiều lợi ích về quy mô sản xuất - thứ hiện nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía chính phủ đại lục. Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc luôn ủng hộ việc sản xuất các loại xe điện nhỏ, giá thành phải chăng. Trong năm 2022, Trung Quốc chiếm hơn một nửa doanh số xe điện toàn cầu.
“Do dân số chủ yếu mang thu nhập trung bình, Thái Lan và một số nền kinh tế mới nổi châu Á có những yêu cầu về xe điện rất khác Mỹ”, Hirotaka Uchida, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ô tô Đông Nam Á của công ty tư vấn quản lý Arthur D. Little, nói, đồng thời cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đang cho thấy năng lực đáp ứng nhu cầu của các tệp khách không có nhiều khả năng chi trả.
Dù các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khó có thể độc chiếm thị trường Mỹ, song theo một số chuyên gia, vị thế thống trị doanh số bán xe điện tại Đông Nam Á có thể là tiền đề cho cuộc chiến giành thị phần ở châu Âu - thị trường xe điện lớn thứ hai sau Trung Quốc.
Trong một báo cáo tháng 11, Fitch Solutions cho biết việc nền kinh tế vĩ mô suy yếu có thể khiến một số người tiêu dùng ở các nước phát triển tìm kiếm các lựa chọn từ các thương hiệu ‘Made in China’. Công ty nghiên cứu thị trường cho biết các thương hiệu Trung Quốc có thể tăng gấp đôi nỗ lực mở rộng tại châu Âu vào năm 2023, đồng thời được dự đoán chiếm tới 15% thị trường pin điện của khu vực vào năm 2025. Một số thương hiệu Trung Quốc cũng đang tìm cách bán các dòng xe cao cấp hơn tại Châu Âu.
Tại Thái Lan, 13.298 xe điện đã được bán trong 9 tháng đầu năm 2022, theo Bộ năng lượng nước này, tăng từ 1.954 xe hồi năm 2021. Trung tâm nghiên cứu Kasikorn có trụ sở tại Bangkok ước tính các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm khoảng 80% doanh số bán xe điện tại nước này.
Giá cả đang tạo nên sự khác biệt. Toyota bZ4X chạy điện có giá bán lẻ khoảng 53.000 USD tại Thái Lan, trong khi Tesla mới đây bắt đầu bán mẫu Model 3 với giá khởi điểm khoảng 51.000 USD. Con số này cao hơn gấp đôi số tiền mà cô Boonyopakorn bỏ ra cho chiếc xe điện mới của mình: Ora Good Cat.
Theo WSJ, Ora Good Cat thuộc Great Wall Motor của Trung Quốc, hiện đang được bán với giá 763.000 baht, tương đương khoảng 22.000 USD với 4.000 USD là tiền trợ cấp của chính phủ. Điều này khiến Ora Good Cat thậm chí còn rẻ hơn một chiếc Toyota Corolla hay Honda Civic chạy xăng.
Xe điện của SAIC-GM-Wuling Automobile.
Tại Indonesia, xe điện của SAIC-GM-Wuling Automobile đã được giới thiệu vào mùa hè năm ngoái và trở thành mẫu bán chạy nhất khu vực trong quý III với mức giá khởi điểm khoảng 15.000 USD.
Hiện tại, thị phần xe điện Trung Quốc tại Thái Lan nhìn chung là nhỏ. Theo Arthur D. Little, các thương hiệu Nhật Bản, vốn chủ yếu cung cấp ô tô chạy xăng và hybrid, chiếm khoảng 80% đến 90% tổng doanh số bán xe.
Tại Thái Lan, Toyota tin rằng xe điện cũng như các phương tiện khác, chẳng hạn như xe lai hybrid, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon, Prasanna Ganesh, Giám đốc điều hành Toyota Daihatsu Engineering & Manufacturing có trụ sở tại Thái Lan cho biết. Hiện tại, so với xe điện, xe hybrid không phụ thuộc quá nhiều vào các khoản trợ cấp, có thể được coi là một giải pháp đại chúng và dễ tiếp cận.
“Đối với những quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng, trong khi nhiều khách hàng khó tiếp cận trạm sạc, xe hybrid cắm điện (PHEV) và xe chạy bằng hydro (HEV) là sự lựa chọn hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải carbon”, Gill Pratt, chuyên gia tại Toyota, nói.
Trao đổi với báo giới, ông Simon Humphries, quản lý cấp cao tại Trung tâm Phát triển ô tô Toyota, cũng cho rằng ô tô điện chạy bằng pin vô cùng quan trọng, song không phải giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người. Trong thế giới đa dạng, con người cần nhiều sự lựa chọn và Prius là "chiếc xe sinh thái" nằm trong khả năng tài chính của mọi người.
Tại những khu vực bên ngoài các thành phố lớn như Bangkok và Korat, xe Nhật Bản chiếm ưu thế. Theo Siriwan Boonvisuit , quản lý tại một đại lý Toyota miền trung Saraburi, cơ sở hạ tầng sạc vẫn còn hạn chế và khoảng 60% phương tiện là xe bán tải. “Xu hướng xe điện chỉ nổi lên tại các thành phố lớn”, bà Boonvisuit cho biết.
Theo các chuyên gia, cuộc đua vẫn đang trong giai đoạn đầu. Great Wall đã mở một nhà máy sản xuất ô tô ở Rayong, Thái Lan vào tháng 6 năm 2021, ban đầu cho biết chỉ sản xuất xe hybrid. Đến tháng 9, hãng khẳng định muốn Rayong trở thành “cơ sở sản xuất và xuất khẩu toàn cầu”.
BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc được tập đoàn Berkshire Hathaway hậu thuẫn cho biết vào tháng 9 rằng họ đã lên kế hoạch mở nhà máy sản xuất xe du lịch đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024, với công suất sản xuất hàng năm là 150.000 chiếc EV được bán chủ yếu ở Đông Nam Á và châu Âu.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một tổ chức tư vấn của Đức, lại ủng hộ việc châu Âu sử dụng các biện pháp thương mại để ngăn chặn thị trường tràn ngập xe điện nội địa Trung giá rẻ.
“Các chính sách công nghiệp của Trung Quốc mang lại lợi thế cho nước này. Ô tô từ lâu đã là mặt hàng xuất khẩu lớn giữa châu Âu, Trung Quốc và một số khu vực khác. Tuy nhiên, xe điện do Trung Quốc sản xuất có thể khiến thương mại ô tô giữa đại lục và EU gặp khó khăn,”, đại diện tổ chức cho biết.
Theo autopro