Chủ xe cần xác định được địa điểm dán thẻ, hình thức thanh toán, cách sử dụng app và đi đúng làn thu phí không dừng trên cao tốc.
Thu phí không dừng là cách giúp các xe giảm thời gian chờ đợi khi qua trạm, bằng cách dán một thẻ nhỏ lên kính lái hoặc đèn xe để máy đọc khi qua trạm, từ đó trừ tiền trong tài khoản mà không cần dừng chờ. Tuy tiện lợi nhưng hình thức này còn mới và gặp không ít lỗi trong quá trình sử dụng. Sau đây là những lưu ý chủ xe cần biết trước khi dán thẻ thu phí không dừng.
Các loại thẻ
Hiện trên thị trường có hai đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC (do Tasco góp vốn) và VDTC (thuộc Viettel). Hai đơn vị này sẽ quản lý các trạm thu phí không dừng và phát hành thẻ để dán trên ôtô. Hiện VETC quản lý 79 trạm, VDTC quản lý 35 trạm. Thẻ do VETC phát hành mang tên Etag, và thẻ của VDTC là ePass, cả hai đều có tác dụng như nhau.
Địa điểm dán thẻ
Đối với ePass đơn vị phát triển là Viettel, chủ xe có thể dán ở bất kì điểm nào trong hệ thống Viettel Store hoặc trụ sở chính ở 143 Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Thẻ ePass dán trên kính. Ảnh: Huy Mạnh
Trong khi đó eTag của VETC sẽ dán tại các trung tâm đăng kiểm, một số địa điểm cố định hoặc trụ sở chính 167 Trung Kính, Hà Nội.
Tài xế có thể tìm kiếm thông tin các địa điểm dán gần nơi cư trú, làm việc trên website của hai công ty hoặc qua hotline.
Giáy tờ cần thiết
Đối với khách hàng cá nhân, người dùng phải mang theo bộ giấy tờ xe (đăng ký, đăng kiểm), chứng minh thư/căn cước công dân. Đối với công ty sẽ cần bộ giấy tờ xe, giấy giới thiệu và giấy ủy quyền mở tài khoản (được đơn vị cung cấp dịch vụ đưa mẫu).
Vị trí dán
Cả hai loại thẻ đều có thể dán ở kính lái hoặc đèn xe. Ưu điểm của dán kính lái là dán bên trong, nên có thể hạn chế được việc bị bóc, bong tróc do thời tiết, hóa chất... Tuy vậy, nhược điểm là nếu xe dán phim cách nhiệt loại tráng phủ kim loại thì dễ bị nhiễu sóng, máy không thể đọc thẻ khi qua trạm. Vì vậy, với những xe dán phim cách nhiệt loại này, bắt buộc dán ở đèn xe.
Cách sử dụng
Để sử dụng, chủ xe tải ứng dụng (app) trên điện thoại, tương ứng với loại thẻ mình dán. Trên app sẽ có các thông tin cơ bản như ngày giờ di chuyển qua từng trạm, số tiền trong app, mức phí của từng trạm và các thông tin có liên quan khác. Tài khoản sẽ được nhân viên dán thẻ hỗ trợ khởi tạo để dùng đăng nhập vào app.
Cách thức thanh toán
Với thẻ eTag của VETC, chủ xe cần duy trì một khoản tiền (lớn hơn số tiền qua trạm thu phí) trong tài khoản. Để nạp tiền vào tài khoản, chủ xe có thể thao tác ngay trên app VETC qua một số hình thức như Mobile Banking, VNPay, VNPTePay... Tùy hình thức, người dùng sẽ mất phí khoảng 0,7-1% khi nạp tiền.
Để không mất phí, tài xế có thể chọn cách chuyển khoản cho nhà cung cấp từ ngân hàng không thu phí. Số tài khoản được cung cấp khi dán thẻ. Với mỗi xe, VETC miễn phí đăng kí lần đầu và lần hai sẽ là 120.000 đồng.
Phương tiện đi vào làn thu phí không dừng. Ảnh: Anh Duy
Đối với ePass của Viettel, chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản trên app bằng các hình thức tương tự eTag của VETC. Tuy vậy, ePass có thêm cách khác là liên kết trực tiếp với thẻ ngân hàng hoặc ví Viettel Money, tất cả đều miễn phí. Với cách này, chủ xe không cần lo lắng việc duy trì một số tiền trong tài khoản thu phí tự động.
Viettel hiện miễn phí đăng ký tài khoản, sau thời gian này sẽ là 135.000 đồng cho một lần mở tài khoản. Khi đổi xe, tài khoản (hợp đồng) được giữ nguyên, chỉ thay đổi biển số.
Gặp sự cố khi qua trạm thu phí không dừng
Khi tài xế đi qua trạm thu phí không dừng mà barie không mở, tức bị lỗi, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra tiền trong tài khoản, nếu còn đủ tức lỗi không phải từ phía tài xế mà từ hệ thống của nhà cung cấp. Lúc này, bạn không cần lùi xe để chuyển sang làn thu phí trực tiếp. Hãy yêu cầu nhân viên trạm thu phí giải quyết sự cố bằng nghiệp vụ của họ. Thông thường, nhân viên thu phí sẽ nhập biển số xe của bạn lên hệ thống và mở barie, khoảng vài ngày sau sẽ có thông báo bị trừ tiền.
Đối với xe chưa dán thẻ thu phí không dừng, nếu tự ý đi vào làn thu phí không dừng có thể gây nguy hiểm và sẽ bị phạt từ 2-5 triệu đồng.
Theo autopro