Đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, bởi đã có không ít sự cố cháy nổ xảy ra, dẫn đến những hậu quả vô cùng thương tâm.
Ô tô điện hay xe xăng, dầu dễ cháy nổ hơn?
Ô tô điện ngày càng phát triển mạnh mẽ và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dùng toàn cầu. Tại Việt Nam, xu hướng ô tô điện cũng đang phát triển trong một vài năm trở lại đây, người dân cũng dần cởi mở hơn với sản phẩm công nghệ mới này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều trở ngại khiến người dùng e dè như hệ thống trạm sạc hay vấn đề cháy nổ.
Bởi, theo nhiều người, pin Lithium-ion (Li-on) lắp đặt trên ô tô điện rất dễ cháy, thậm chí đây là quả bom nổ chậm, có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, trên thực tế lại không phải như vậy. Bởi, khi sản xuất pin dành cho ô tô, bên cạnh việc làm mát, nhà sản xuất còn nghiên cứu các phương án nhằm đảm bảo tính cách nhiệt, tránh các tác nhân dễ gây cháy cho khối pin.
Rủi ro cháy ô tô điện đang ít hơn xe xăng, dầu
Trang AutoinsuranceEZ đưa tin, kết quả nghiên cứu dữ liệu từ Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), Văn phòng thống kê giao thông (BTS) và dữ liệu triệu hồi xe từ Chính phủ Mỹ được đăng tải vào tháng 11/2022 cho thấy, cứ 100.000 xe động cơ đốt trong bán ra thì có 1.530 vụ cháy, trong khi con số này với xe với xe điện chỉ là 25 chiếc.
Những con số thực tế trên đã chứng minh rằng, rủi ro cháy xe điện trên thực tế đang ít hơn hẳn so với ô tô sử dụng động cơ đốt trong.
Nguyên nhân dẫn đến sự cố cháy nổ ô tô
Ngoài nguyên nhân đến từ sự cố va chạm mạnh, bảo dưỡng kém thì các vụ cháy ô tô sử dụng động cơ đốt trong còn xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như: Rò rỉ nhiên liệu, hỏng hệ thống điện, rò rỉ chất lỏng, chất lượng nhiên liệu, động cơ quá nóng, bộ phận chuyển đổi xúc tác quá nóng... Trong khi đó, các chuyên gia có kinh nghiệm lái xe lâu năm cho hay, hiện tượng cháy nổ ô tô điện thường xuất phát từ 2 nguyên nhân chính dưới đây:
Thứ nhất là do thời tiết: Pin Lithium-ion có thể lưu trữ một lượng năng lượng khổng lồ trong một khoảng không gian rất nhỏ. Nếu pin tiếp xúc với nhiệt độ quá cao có thể dẫn đến đoản mạch. Lượng nhiệt được tạo ra khi dòng điện đi qua nhưng không thể thoát kịp dẫn đến nhiệt sinh ngày càng nhiều, làm cho pin bắt lửa và gây ra cháy nổ.
Thứ hai là rủi ro liên quan đến chất lượng pin, hệ thống điện ô tô: Trường hợp pin bị hỏng, pin kém chất lượng hoặc các bộ phận bị mài mòn và bị lỗi nhưng vẫn sử dụng có thể dẫn đến cháy nổ về sau (kể cả khi xe không hoạt động).
Ô tô cháy nổ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó người dùng cần trang bị cho mình kiến thức về phòng chống cháy nổ xe để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra
Như vậy, tác nhân dẫn đến cháy nổ ô tô xăng sẽ nhiều hơn xe điện. Ngoài ra, trong trường hợp bùng cháy thì thời gian phát nổ của ô tô điện cũng chậm hơn xe xăng. Bởi, việc cháy xăng gần như diễn ra ngay lập tức khi xăng bắt vào một tia lửa hoặc đốm lửa và lan ra nhanh chóng.
Với xe điện, để bùng cháy thì pin cần một khoảng thời gian để tích tụ đủ nhiệt lượng. Và sự chậm trễ này sẽ là cơ hội tốt để những người trong xe có thể kịp thoát ra ngoài trước xe phát cháy.
Song, ở chiều ngược lại, công tác dập cháy của xe điện lại khó khăn hơn xe xăng, dầu. Nguyên nhân xuất phát từ việc xịt bọt cứu hỏa thông thường sẽ không có tác dụng vì theo giám đốc sản phẩm và phát triển của Hiệp hội Cứu hỏa Mỹ, ông Andrew Klock "Pin lithium-ion tạo ra lượng nhiệt và oxy riêng". Cơ chế dập lửa ô tô lúc này là cần phải xịt rất nhiều nước vào gầm xe, nơi lắp pin để làm nguội bộ phần này. Chỉ khi pin được làm nguội thì mới có thể ngăn chặn được vụ cháy.
Nhìn chung, dù là xe xăng, dầu hay xe điện thì đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Do đó, để đảm bảo an toàn khi sử dụng xe và phòng, tránh sự cố cháy nổ có thể xảy ra, người dùng xe nên cẩn thận và trang bị cho mình những kiến thức về phòng chống cháy nổ ô tô. Cùng với đó, việc tuân thủ đúng lịch bảo dưỡng xe ô tô định kỳ hoặc khi xe có dấu hiệu bất thường cũng sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ ô tô và những tình huống đáng tiếc khác.
Theo autopro