Nhưng liệu pin xe điện tự chế có an toàn?
Dharmawan Kusna Handoyo dành cả ngày hàn pin xe máy điện trong căn phòng nhỏ 6m2. Những bộ pin DIY này được chế tạo từ năm 2009, song đến nay đã trở thành thu nhập chính của gia đình anh Handoyo. Mỗi bộ có giá hàng trăm USD.
Handoyo chỉ là một trong những người làm pin tại Indonesia, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường xe đạp điện. Sự thiếu vắng các quy định khắt khe cũng tạo điều kiện cho những cửa hàng nhỏ tự chế tạo pin thay thế: giá thấp hơn, đi được quãng đường xa hơn. Tuy nhiên, đối với nhiều tài xế, các sản phẩm tự chế đang đặt ra nhiều dấu hỏi về độ an toàn cũng như tính bền vững.
Xe hai bánh chạy điện phổ biến ở Indonesia kể từ năm 2023, khi nước này công bố khoản trợ cấp 7 triệu rupiah (445 USD) cho những chiếc xe mới được sản xuất. Theo Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 9 năm 2023, tổng cộng 62.000 xe máy điện đã được đăng ký ở Indonesia - gần gấp ba lần số lượng đăng ký một năm trước đó. Việc nước này chưa thực thi bất kỳ quy định nào đối với pin được sản xuất trong nước càng khiến thị trường phát triển các loại pin thay thế rẻ tiền.
Theo Hadi Wijaya, một người đang sử dụng xe máy điện, pin tự chế vừa rẻ hơn vừa có phạm vi hoạt động xa hơn.
“Tôi đã bán pin gốc với giá khoảng 17 triệu rupiah (1.081 USD), sau đó mua pin sản xuất riêng với giá 13 triệu rupiah (827 USD). Pin tự chế sử dụng tế bào lithium polymer và có phạm vi hoạt động lên tới 150 km cho một lần sạc, trong khi pin ban đầu chỉ có thể đạt tới 100 km”, Hadi Wijaya nói và cho biết mình đã hợp tác với bạn mình để kinh doanh.
“Những khách đi Gesit, một thương hiệu xe đạp điện của Indonesia, mà tôi biết đều không sử dụng pin chính hãng đâu”, anh nói.
Sản xuất pin là một công việc đòi hỏi sự tinh tế, bắt đầu từ những viên pin hình trụ. Các nhà đóng gói thường sử dụng pin lithium-ion 18650, mua trực tiếp từ các công ty linh kiện như LG, Panasonic, EVE của Trung Quốc hay nền tảng thương mại điện tử Alibaba. Thường 1 bộ pin sẽ có 100 tế bào nhỏ, hàn lại với nhau bằng các dải niken và kết nối với xe thông qua hệ thống quản lý.
Nhược điểm duy nhất là pin tự chế cồng kềnh hơn pin chính chủ. Nó cũng chỉ được bọc trong ống co nhiệt màu xanh sáng thay vì vỏ polycarbonate tiêu chuẩn.
Pin xe điện tự chế
Khairul Amin, có trụ sở tại Madura, Đông Java, đã tự chế tạo pin từ năm 2016. Anh chàng đặt mục tiêu bán được ít nhất 10 bộ mỗi tháng; trong đó những bộ pin giá rẻ sẽ dao động trong khoảng 1,5 triệu rupiah (95 USD, khoảng hơn 2 triệu đồng). Những bộ cung cấp năng lượng cho ô tô sẽ đắt hơn, thường là 35 triệu rupiah (2.226 USD - khoảng 55 triệu đồng).
Theo Agus Purwanto, giảng viên hóa học tại Đại học Sebelas Maret, những người bán hàng trực tuyến trên Facebook thường chỉ nêu một số thông tin cơ bản như điện áp và cường độ dòng điện. Tuy nhiên, các yếu tố phức tạp hơn, chẳng hạn như tốc độ phóng điện của từng tế bào, có thể gây ra những sự cố không mong muốn. “Mỗi tế bào pin đều có xếp hạng: 1C, 2C, 3C, biểu thị tốc độ xả của pin. Chỉ cần chênh lệch một chút, pin sẽ hỏng”, Agus Purwanto nói.
Ady Siswanto, chủ xưởng xe máy điện Dyvolt ở Jakarta, nói với Rest of World rằng ông rất quan tâm đến việc điều chỉnh điện trở bên trong và công suất các tế bào. “Nếu dung lượng của các tế bào pin không đồng đều, pin sẽ gặp vấn đề, chẳng hạn như tắt đột ngột”.
Do ngành công nghiệp pin xe máy điện ở Indonesia chưa có nhiều chính sách cụ thể, các tài xế nơi đây rất khó tìm được pin sản xuất bởi nhà máy. Vấn đề phức tạp hơn khi mỗi thương hiệu máy điện lại có kích thước và thiết kế pin riêng. Bowo Kusumo, Giám đốc điều hành của Spora EV, nói với Rest of World : “Có thể có hơn 20 kích cỡ pin trên thị trường hiện nay. Đó là một vấn đề đau đầu”.
Nhằm tiêu chuẩn hóa pin xe điện, Tổng công ty Pin Indonesia ra đời vào năm 2021. Một trong những sáng kiến của nước này là tung ra công nghệ hoán đổi pin của riêng bằng cách sử dụng nguồn dự trữ niken. Được hỗ trợ bởi Hyundai và LG, nhà máy sản xuất pin dự kiến bắt đầu xây dựng trong năm nay.
Tuy nhiên, sự sôi động của thị trường pin tự chế có thể là mối đe dọa lớn. Nhiều người mua tiềm năng chỉ để mắt đến dòng pin đã qua sử dụng vì chúng rẻ. Irwan Tjahaja, Giám đốc điều hành của Swap Energi Indonesia, nói: “Họ là mối lo ngại đối với ngành. Chúng tôi cần đảm bảo có một quy trình an toàn để các nhà đóng gói tuân theo - từ thiết kế đến thử nghiệm. Nếu không, tai nạn có thể xảy ra”.
Theo Bloomberg, tại các thành phố đông đúc của Đông Nam Á, từ Hà Nội đến Jakarta, việc sở hữu một phương tiện nhỏ gọn là vô cùng hợp lý. Đối với tầng lớp trung lưu mới nổi, xe máy điện dễ mua hơn bởi dù sao giá thành những chiếc ô tô điện vẫn ở mức cao.
Rahul Gupta, đối tác liên kết tại McKinsey, tin rằng xe máy điện có thể chiếm tới 50% thị trường xe máy tổng thể trong khu vực vào năm 2030, cao hơn so với mức 20% của ô tô. Các quốc gia như Indonesia và Việt Nam - vốn đã là những thị trường lớn đối với xe tay ga và xe máy - sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng này.
Indonesia Battery Corp., một nhà sản xuất xe điện thuộc sở hữu nhà nước, đã lên kế hoạch sản xuất 50.000 bộ pin trong năm 2023 để hỗ trợ khoảng 115 triệu xe máy điện. Những công ty khác ở các thị trường phát triển châu Á cũng đang tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.
“Ở châu Á, đó thực sự là một nhu cầu hàng ngày. Vận chuyển hàng hóa, con người đều được thực hiện bằng các phương tiện hai bánh. Đây là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất”, Vivek Lath, đối tác của McKinsey & Co, nhận định.
Theo autopro