Khi lượng đặt hàng nhiều, xe về ít, các đại lý sẽ yêu cầu khách phải trả thêm tiền mua phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm.
Khách hàng mua ôtô phải lắp thêm phụ kiện hoặc trả thêm phụ phí để nhận xe sớm không còn lạ tại Việt Nam, khiến không ít khách khó chịu. Họ cho rằng, ức mức giá xe ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực, nhưng mua xe vẫn phải trả thêm tiền. Chiêu bán "bia kèm lạc" thường xảy ra ở một số dòng xe bán chạy và khan hàng.
Honda CR-V có doanh số cao trong nửa đầu năm, lượng xe về đại lý không đủ so với đơn hàng của khách. Người mua muốn được giao xe sớm phải lắp thêm các gói phụ kiện 60-70 triệu. Trường hợp khách không đồng ý lắp phụ kiện, đại lý cũng không muốn bán ngay, mà ký hợp đồng chờ. Thời gian chờ có thể kéo dài sang 2019 mới có xe giao.
Anh Quang (Hưng Yên), cho biết do nhu cầu cần xe sử dụng ngay và không muốn chờ đợi thêm, nên đã đồng ý chi 70 triệu lắp phụ kiện. Quang nhận thấy cách này là ép khách không công bằng, nhưng "thời điểm khan hàng ai cũng muốn nhận xe sớm thì đành chấp nhận".
Ford Explorer cũng rơi vào trường hợp tương tự. Xe đã về đại lý khiến nhiều người quan tâm vui mừng sau thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, các đại lý thông báo để nhận xe ngay, người dùng lắp phụ kiện và bảo hiểm khoảng 200 triệu, nếu không phải chờ do lượng xe về không nhiều.
Ford Explorer 2018 hiện đã có tại các đại lý. Ảnh: Ford An Đô.
Bên cạnh những ý kiến phản đối tình trạng này, nhiều khách hàng lại tỏ ra bình thản vì cho rằng đó là quy luật cung cầu. Nguồn cung ít, nhu cầu cao thì giá hàng hoá sẽ tăng, không chỉ ôtô mà nhiều loại khác. Nhân viên kinh doanh của một đại lý ôtô cho rằng việc mua thêm phụ kiện trong thời điểm xe khan hàng là quy luật thông thường, thuận mua vừa bán. Khách hàng muốn mua xe giá tốt hãy đợi đến khi xe nguồn cung dồi dào.
Ford Everest mới ra mắt hiện có tình trạng tương tự, tuỳ theo đại lý. Tại Hà Nội, một số đại lý thông báo bán xe đúng giá không kèm phụ kiện. Tuy nhiên, đại lý khác cho biết khách mua xe phải thêm gói bảo hiểm và phụ kiện giá khoảng 50-70 triệu và chờ giao xe vào tháng 11.
Nếu CR-V hay Explorer, Everest mới xảy ra hiện tượng này do khan hàng vì ảnh hưởng từ Nghị định 116 thì nhiều dòng xe của Toyota trước nay đã quen thuộc với kiểu bán hàng "bia kèm lạc". Fortuner có lượng tiêu thụ lớn, khách mua xe thường phải lắp thêm gói phụ kiện. Sau hơn nửa năm không có xe, Fortuner được thông báo trở lại thị trường từ tháng 8, nhưng khách muốn nhận xe ngay phải chi thêm tiền lắp phụ kiện khoảng 100 triệu, nếu không sẽ phải đợi.
Khách muốn mua Fortuner phải lắp thêm phụ kiện khoảng 100 triệu đồng. Ảnh: Toyota Tân Cảng.
Nhiều khách phát hiện cách thức ép khách của đại lý khá thuần thục. Nhân viên kinh doanh trước tiên thông báo khó có xe giao ngay và đưa ra gợi ý lắp thêm phụ kiện để nhận xe sớm. Nếu khách đồng thuận, đại lý sẽ tìm kiếm những hợp đồng khách huỷ để giao xe ngay. Bởi vậy, nhiều người hoài nghi đại lý dùng chiêu găm hàng để tối ưu hóa lợi nhuận.
Các hãng xe cho biết họ không thể can thiệp vào giá bán của đại lý mà chỉ đưa ra giá đề xuất, bởi quan hệ hãng và đại lý là độc lập theo kiểu mua đứt bán đoạn. Nhà sản xuất chỉ có thể đưa ra giá đề xuất để khách hàng tham khảo. Hãng chỉ có thể cố gắng giải quyết việc này bằng cách tăng nguồn cung cho đại lý.
Điểm chung của những dòng xe khan hàng này, đều là nhập khẩu nguyên chiếc. Các hãng không tự chủ động được nguồn hàng mà phụ thuộc vào nhà máy sản xuất ở nước ngoài. Đại diện một nhà nhập khẩu cho biết những thị trường có doanh số tốt thường được ưu tiên hơn so với thị trường khác, nên việc xe về chậm, ít là không tránh khỏi.
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, kể từ đầu năm, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt hơn 9.000 chiếc, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (65.590 chiếc). Trong khi đó, việc chờ đợi xe giá rẻ từ năm ngoái của người dùng đến năm nay chưa được đáp ứng.
Theo VnExpress