Với 56% thị phần, xe Trung Quốc đang ở đỉnh cao tại Nga, nhưng đồng nghĩa với việc xu hướng đang giảm.
Doanh số xe Trung Quốc ở Nga dường như đã đạt đỉnh khi quá trình sản xuất tại quốc gia này đang phục hồi sau khi các hãng xe phương Tây rời đi, theo dữ liệu được chia sẻ với Reuters. Nhưng sự tăng trưởng lúc này có thể ngừng lại do chi phí nhập khẩu cao cũng như ảnh hưởng từ lãi suất.
Những tín hiệu này cho thấy thị trường ôtô Nga đã ổn định sau gần 2 năm chấn động do cơn bão trừng phạt phương Tây.
Nhưng thị trường - vốn giảm doanh số 60% trong 2022 và sản lượng cũng tụt dốc - vẫn còn một chặng đường dài để đạt mức như trước khi xảy ra xung đột Ukraine. Doanh số và sản lượng trong 2023 dự kiến ở mức thấp nhất 10 năm qua.
Ôtô của thương hiệu Trung Quốc Trường An tại một đại lý ở Volgograd, Nga. Ảnh: CFP
Từ tháng 8, các thương hiệu Trung Quốc bán được khoảng 60.000 xe mỗi tháng, và thị phần trong tháng 8 là 56%, trong tháng 9 là 53%. Doanh số đã gồm cả xe nhập khẩu cũng như xe sản xuất tại Nga. Kết quả này đạt được khi các hãng xe Trung Quốc như Haval, Chery và Geely tận dụng khoảng trống do các hãng xe phương Tây để lại.
Nga đã nhảy từ vị trí 11 lên thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc về ôtô, đạt giá trị 9,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Trong cùng kỳ 2022, xe hơi xuất khẩu sang Nga đạt khoảng 1,1 tỷ USD.
Theo dữ liệu từ Autostat, doanh số ôtô mỗi tháng ở Nga hiện gấp hơn 2 lần so với cách đây một năm, trong khi dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho thấy sản lượng cao hơn gần 3 lần, cho thấy lĩnh vực này đang phần nào hồi phục, và thị trường đang tiến gần điểm cân bằng.
Hãng xe hàng đầu của Nga, Avtovaz, chuyên sản xuất các mẫu Lada, đang cung cấp các mẫu xe giá rẻ, trong khi các thương hiệu Trung Quốc lấp đầy khoảng trống do các hãng phương Tây để lại với các mẫu đắt tiền hơn.
Xu hướng này có thể thay đổi khi Avtovaz hoặc các hãng xe Trung Quốc tìm cách thâm nhập vào những phân khúc giá bán khác so với những gì họ đang làm. Tuy nhiên lúc này, sự tăng trưởng vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Những lệnh trừng phạt đối với Nga làm giảm năng lực sản xuất và bán ôtô chủ yếu trong 2022. Tuy nhiên, thị trường này vốn đã chịu tác động xấu từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Doanh số ôtô ở Nga chưa từng đạt mốc 2 triệu xe từ 2014 và sản xuất cũng thấp hơn. Chỉ hơn 626.000 xe mới bán tại quốc gia này trong 2022 và gần 830.000 xe trong 10 tháng đầu năm nay.
Sự phục hồi rất khiêm tốn bắt đầu từ 2022, nhưng việc mất đi những công nghệ cũng như các chuyên gia từ phương Tây khiến lĩnh vực này bị tổn thương, các nhà phân tích cho biết, dù các hãng xe Trung Quốc đã lấy lại một số nhà máy bị các đối thủ phương Tây bỏ lại.
Trong 3 quý đầu 2023, Nga chỉ sản xuất được nhiều hơn vài nghìn xe so với cùng kỳ 2022, theo dữ liệu từ Rosstat. Nhưng con số này đang có xu hướng tăng.
"Sự tăng trưởng của nhu cầu bị dồn nén đã bắt đầu từ cuối mùa xuân vừa qua và kéo dài cho đến hết tháng 8, rồi từ từ 'bốc hơi' trong tháng 9", nhà kinh tế học Natalia Zubarevich, giáo sư Đại học Moskva, nói.
"Lãi suất có thể tạo hiệu ứng đình trệ (đối với việc vay mua xe), và điều này trở nên rõ ràng hơn trong tháng 10 và 11", theo Zubarevich.
Cùng lúc, việc đồng ruble mất giá so với USD trong năm nay khiến việc nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực tới việc mua sắm những chiếc xe Trung Quốc. Trong tháng 11, ngân hàng Trung ương Nga nói việc cấm nhập một số mẫu xe Nhật Bản, kết hợp với việc đồng ruble yếu, đã đẩy giá xe nước ngoài tăng.
Hồi tuần trước, Avtovaz đã giảm dự báo sản lượng 2023 là 400.000 xe Lada xuống 10%. "Thị trường ở trạng thái lung lay và rất bất ổn", Zubarevich nhận định.
Theo vnexpress