Dù không trực tiếp xả khí nhà kính, xe điện lại ô nhiễm hơn xe xăng ở một vấn đề liên quan đến trọng lượng của mình.
So với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống, những chiếc xe trang bị thêm hệ thống mô tơ điện phụ trợ như dòng xe hybrid, hoặc thậm chí là những xe thuần điện, đang dần trở nên nặng hơn, vô tình trở thành một vấn đề mới với ô nhiễm không khí.
Sự thật, xe điện thường nặng hơn những chiếc xe chạy xăng tương tự do phải mang theo pack pin lớn; trọng lượng của xe điện còn tăng tỷ lệ thuận với quãng đường đi được mỗi lần sạc. Chính trọng lượng ngày một lớn hơn khiến lốp xe điện chóng mòn hơn, từ đó tạo ra nhiều bụi lốp hơn. Theo một ước tính, lốp của xe điện thải ra bụi nhiều hơn 30% so với loại lốp sử dụng trên xe xăng cùng loại.
Nhìn vào xu hướng ngày nay, ô tô hiện đại đang dần to hơn và nặng hơn. Đây có thể coi là một điểm mạnh, bởi xe to hơn và nặng hơn thường bảo vệ hành khách tốt hơn khi xảy ra va chạm.
Khi ngành công nghiệp bước vào giai đoạn chạy đua làm xe điện thì xu hướng kể trên còn thăng hoa hơn nữa.
Lấy ví dụ với mẫu NIO ET7 của Trung Quốc. Mẫu xe này có thể đi được 930km mỗi lần sạc, là mẫu xe điện có quãng đường di chuyển xa nhất hiện nay theo thống kê của EVspecs.
Tuy nhiên, NIO ET7 nặng tới 2,6 tấn, tức nặng hơn nhiều so với một mẫu xe cùng chủng loại. Thậm chí, trọng lượng của NIO ET7 còn có thể ngang ngửa với một mẫu xe bán tải cỡ lớn như Ford F-150 có trọng lượng từ 1,8 tấn đến 2,6 tấn tùy phiên bản. Ford F-150 nằm ở phân khúc có kích thước lớn hơn cả Ford Ranger.
OECD: Xe điện thải ra nhiều bụi lốp hơn xe xăng
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, xe thuần điện chiếm khoảng 15% tổng doanh số xe được bán ra trong năm 2023. Theo nhiều dự đoán, tỷ lệ này sẽ vươn lên con số gấp đôi tới năm 2030, và có thể quá bán khi tới năm 2035.
Trọng lượng lớn khiến lốp chóng mòn hơn, sinh ra nhiều bụi lốp hơn 30% xe xăng.
Xu hướng tiêu dùng ô tô có kích thước và trọng lượng lớn chưa rõ khi nào sẽ tới hồi kết, nhưng những mẫu xe như vậy tham gia giao thông nhiều hơn có thể tác động xấu tới an toàn giao thông.
Chủ tịch Hội đồng An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, bà Jenifer Homendy, bày tỏ quan ngại: "Tôi lo lắng cho nguy cơ thương tích nặng và tử vong sẽ tăng cao khi xe chạy trên đường có trọng lượng lớn hơn, kích thước to hơn và công suất cao hơn, tôi nói bao gồm cả xe điện".
Không chỉ có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông, những chiếc xe "đô con" này còn để lại tác động đến môi trường. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), xe điện thải ra nhiều bụi lốp hơn 30%. Tỷ lệ này tính đến loại bụi PM 10, có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 10 micronmet (1 milimet = 1.000 micronmet).
Thực tế, xét về loại bụi siêu mịn PM 2.5 (kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micronmet), lốp xe điện cũng thải ra nhiều hơn khoảng 30% so với xe xăng. Loại bụi mịn PM 2.5 này tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe, bởi với kích thước này, bụi có thể lọt sâu vào phổi nếu hít phải.
Để dễ hình dung, đường kính sợi tóc thường được tính là 70 micronmet. Với PM 10, hạt bụi này chỉ bằng 1/7 sợi tóc, còn với PM 2.5 thì hạt bụi này chỉ bằng 1/28.
Đối với xe xăng, vấn đề gây ô nhiễm được quan tâm nhiều nhất là khí CO2 thải ra từ ống xả; song, các nhà sản xuất đã phát triển nhiều công nghệ để giảm thải. Khi đã cắt giảm được khí thải, bụi lốp và các loại chất gây ô nhiễm khác (như bụi phanh) dần được để ý tới nhiều hơn.
Nhà nghiên cứu cấp cao Akiyoshi Ito tại Viện Nghiên cứu Ô tô Nhật Bản (Japan Automobile Research Institue) nhận định: "Để giảm phát thải bụi mịn, cần phải để ý đến những bộ phận như lốp và phanh".
Tại Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng với việc ưa chuộng xe cỡ nhỏ kei car, những chiếc xe nặng hơn đang dần chiếm ưu thế. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Nhật Bản JAMA (Japan Automobile Manufacturers Association), có ngày càng nhiều người mua các dòng xe có dung tích động cơ trên 2 lít. Trong năm 2023, dòng xe này chiếm 44% tổng doanh số xe Nhật Bản; trong khi 20 năm trước, doanh số chỉ chiếm 26%.
Số liệu của cơ quan đăng kiểm nước này cũng cho thấy rằng trọng lượng trung bình cũng đã tăng khoảng 100kg, vượt 1,4 tấn.
Bụi lốp tăng lên cũng thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp trên khắp thế giới. Họ đang thảo luận để đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu đo mức độ ô nhiễm. Các nhà sản xuất lốp của Nhật Bản cũng đang theo sát các cuộc thảo luận này, bởi châu Âu và Nhật Bản áp dụng phương thức thống kê khác nhau.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Lốp Ô tô Nhật Bản (Japan Automobile Tyre Manufacturers Association - JATMA) Kenji Kurata cho biết: "Chính sách môi trường sẽ làm tăng chi phí nghiên cứu phát triển của các nhà sản xuất lốp. Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với chính phủ để đảm bảo rằng tiếng nói của các quốc gia ngoài khu vực châu Âu cũng được lắng nghe trong quá trình thành lập quy định mới".
Trên thực tế, xe điện thường được xem là chìa khóa dẫn tới tương lai giảm phát thải. Để hiện thực hóa điều này, ngành công nghiệp ô tô phải gắng sức để đạt được tiến bộ về công nghệ và để tuân thủ quy định, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm từ lốp và các bộ phận của ô tô.
Theo autopro